Tăng vốn – “Nước đã đến chân”
Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2018 tổ chức hồi cuối tháng 4 vừa qua, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết, đến cuối năm 2017, hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) của ngân hàng vẫn đạt quy định, ở mức gần 10%.
Tuy nhiên, đó là con số có được nếu áp dụng tính CAR theo chuẩn hiện tại. Còn nếu áp dụng theo chuẩn Basel II, thì ngân hàng nhiều khả năng không đáp ứng được, và do đó, VietinBank từ lâu đã phải tính đến phương án tăng vốn điều lệ.
Để tăng vốn điều lệ, các ngân hàng có hai phương án. Thứ nhất là tăng vốn cấp 1 thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông, trả cổ tức bằng cổ phiếu, giữ lại lợi nhuận hoặc bán cổ phiếu quỹ. Cách thứ hai là tăng vốn cấp 2 bằng việc phát hành trái phiếu kỳ hạn dài.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của ông Thắng, từ năm 2013, VietinBank đã là ngân hàng đầu tiên và duy nhất đã khai thác hết dư lượng trong việc đa dạng hoá cổ đông, trong đó, 64,46% là vốn Nhà nước, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đã lấp đầy “room” 30%.
Trong khi đó, theo như Quyết định 58/2016/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính Phủ, trong giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ sở hữu của Nhà Nước trong các ngân hàng không được giảm dưới 65% và tỷ lệ sở hữu của Nhà nước hiện tại ở VietinBank là 64,46%.
Trong khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có khả năng không tham gia vào đợt phát hành riêng lẻ của VietinBank, do đó, khả năng phát hành thêm riêng lẻ cho những nhà đầu tư bên ngoài là thấp vì điều này có thể làm giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại ngân hàng.
Ngoài ra, room ngoại hiện tại tại VietinBank đã đạt mức tối đa 30%. Do đó, việc tăng trần sở hữu nước ngoài tại đây gần như là không thể.
Bên cạnh đó, VietinBank cũng gặp nhiều trở ngại trong việc tăng vốn cấp 1 do phải tuân thủ những quy định của NHNN về việc chi trả cổ tức bằng tiền mặt về ngân sách nhà nước thay vì cổ tức cổ phiếu hay cổ phiếu thưởng.
Theo đó, ngân hàng chỉ còn một lựa chọn duy nhất là tăng vốn cấp 2.
Vốn điều lệ của VietinBank đã “dẫm chân tại chỗ” trong suốt 5 năm qua.
Trong suốt thời gian vừa qua, VietinBank đã phải cơ cấu danh mục tăng trưởng, áp dụng các biện pháp tăng vốn tự có, cấu trúc vốn tự có trong đó có việc phát hành trái phiếu thứ cấp với chi phí cao hơn để duy trì hệ số CAR.
Tuy nhiên đến cuối 2017, dư lượng khai thác cũng không còn nhiều, và ngân hàng lại buộc phải tính đến tăng vốn điều lệ từ cổ đông.
“Với mặt bằng pháp lý hiện nay, ngân hàng sẽ phải chia cổ tức bằng tiền mặt, chúng tôi đã đề xuất chia cổ phiếu nhưng chưa được. Vì vậy, chúng tôi đã có đề án cụ thể báo cáo NHNN và Bộ Tài chính. Các cơ quan này hiện đang trong quá trình xử lý đề xuất của VietinBank”, ông Thắng cho hay.
Dù quyết định của Cơ quan quản lý là gì, thì một điều rõ ràng trước mắt là cửa tăng vốn của VietinBank đang cực kỳ hẹp.
Tỷ lệ LDR đã lên tới 105%
Nếu không có nguồn vốn tăng thêm để mở rộng hoạt động tín dụng, ngân hàng sẽ phụ thuộc vào nguồn huy động tiền gửi.
Tuy nhiên, nếu so sánh với các ngân hàng có vốn sở hữu Nhà nước khác như Vietcombank hay BIDV, tính đến cuối quý I/2018, VietinBank đang là ngân hàng có tỷ lệ cho vay/tổng tiền gửi (LDR) cao nhất, tới 105% (của Vietcombank là 79% và BIDV là 97%).
Điều này cho thấy tín dụng từ thị trường 1 đã vượt quá khả năng vốn của ngân hàng.
Do đó, trong năm 2018, VietinBank chỉ đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng 14%, thấp hơn khá nhiều so với mức 18% trong năm 2017. Tổng nguồn vốn huy động kế hoạch tăng 10 – 14%, so với 16,2% trong năm trước.
Việc tăng trưởng tín dụng giảm có thể sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận của nhà băng trong năm nay. Cho tới thời điểm này, ngân hàng vẫn chưa công bố con số lợi nhuận kế hoạch cho năm 2018. Chủ tịch VietinBank hồi tháng 4 cho biết, ngân hàng này đã trình kế hoạch lợi nhuận lên NHNN và Bộ Tài chính, và các cơ quan này vẫn đang xem xét.