TBKTSG: Nhận định một cách ngắn gọn của ông về tác động của cuộc chiến tranh thương mại đang dần rõ hình hài hiện nay, không chỉ giữa hai đối thủ Mỹ – Trung Quốc mà còn giữa Mỹ với các đồng minh Canada, EU? Thương mại thế giới sẽ đi về đâu?
– TS. Phạm Văn Đại: Trật tự thương mại thế giới hiện nay có lịch sử hình thành lâu đời, có thể lấy mốc từ Hiệp ước chung về thuế quan và mậu dịch (GATT) ra đời năm 1948, tiền thân của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ra đời sau này. Việc chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn bước ra khỏi các nguyên tắc cứng của WTO, vốn đã hình thành và ổn định trong 70 năm nay, gây ra sự mất ổn định và bất định cho kinh tế toàn cầu. Các quốc gia khác cũng có thể tiếp theo Mỹ bước ra khỏi luật chơi của WTO. Luật chơi một khi đã đổ vỡ một lần, khó có thể quay trở lại như cũ, các thành viên khó có thể tôn trọng tuyệt đối các nguyên tắc WTO như họ đã từng trong nhiều thập niên trở lại đây.
Thương mại toàn cầu chắc chắn sẽ tiếp tục diễn ra và tăng trưởng, tuy nhiên sự suy yếu của các nền tảng thương mại đa phương sẽ là xu hướng trong giai đoạn tới. Thương mại sẽ dựa nhiều hơn vào các mối quan hệ song phương và ở đó các nền kinh tế lớn sẽ có lợi thế. Việt Nam là một thị trường nhỏ, ít lợi thế đàm phán chắc chắn sẽ gặp nhiều bất lợi và nhượng bộ nhiều lợi ích trong hoàn cảnh như vậy.
TBKTSG: Hãy nói về tác động của chiến tranh thương mại đến… thương mại của Việt Nam. Mỹ và Trung Quốc là hai thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam nhưng ta nhập siêu lớn từ Trung Quốc, còn Mỹ thì xuất siêu lớn. Xuất, nhập khẩu của Việt Nam sẽ như thế nào trước cuộc đối đầu giữa hai ông lớn Mỹ và Trung Quốc?
– Vị trí của Việt Nam ở cuối của chuỗi sản xuất, phụ trách khâu gia công và hoàn thiện sản phẩm cuối cùng. Việc có tính chất tất yếu, Việt Nam phải nhập khẩu từ công xưởng sản xuất Trung Quốc, gia công các công đoạn thâm dụng lao động cuối cùng trước khi xuất sang thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới là Mỹ.
Mỹ và Trung Quốc đối đầu thương mại sẽ có ảnh hưởng nhất định đến các nền kinh tế gia công, có vị trí trung gian như Việt Nam. Tuy nhiên, ảnh hưởng đến Việt Nam sẽ không lớn do chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu và dòng chảy thương mại khó có thể thay đổi nhanh chóng trong một vài năm.
Lợi ích thương mại giữa các nước lớn sẽ bị chia lại, tuy nhiên vai trò và cấu phần giá trị gia công sản xuất của nền kinh tế thâm dụng lao động như Việt Nam sẽ khó thay đổi. Nói các khác dù các nước lớn có tiến hành cuộc chiến thương mại nhắm vào nhau, quá trình sản xuất sản phẩm vẫn cần khâu gia công ở nơi có lợi thế về lao động như Việt Nam.
TBKTSG: Những gì đang diễn ra sẽ tác động ra sao đến dòng vốn FDI toàn cầu nói chung và dòng vốn FDI vào Việt Nam nói riêng? Xin mở ngoặc là trước khi có các cuộc đối đầu như hiện nay, Việt Nam đã bị đánh thuế chống bán phá giá nhiều mặt hàng với cáo buộc chúng có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc, từ trong nước đã có làn sóng phản đối việc chấp nhận cho doanh nghiệp Trung Quốc (hay gốc Trung Quốc) đầu tư tại Việt Nam để lách vấn đề nguồn gốc xuất xứ Trung Quốc khi xuất khẩu sang các nước khác.
– Dòng vốn FDI vào Việt Nam về cơ bản sẽ không có biến động lớn nếu không có sự thay đổi đột biến về cấu trúc chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu. Dòng vốn FDI và xu hướng dịch chuyển sản xuất một số ngành thâm dụng lao động từ Trung Quốc sang Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục diễn ra do chi phí lao động Trung Quốc tăng nhanh. Xu hướng này khó có thể bị đảo ngược dù tranh chấp thương mại có thể diễn ra và ở một số ngành, dòng vốn FDI sẽ bị gián đoạn.
TBKTSG: Nếu cuộc chiến thương mại thực sự xảy ra ở mức độ sâu rộng, theo ông, dòng chảy của vốn đầu tư gián tiếp trên toàn cầu sẽ như thế nào? Quan sát thực tế diễn biến trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay, ông có thấy thị trường bị tác động phần nào bởi yếu tố này?
– Về lý thuyết, cuộc chiến thương mại sẽ làm gia tăng rủi ro cho kinh tế toàn cầu. Dòng vốn sẽ có xu hướng rời khỏi các thị trường mới nổi như Việt Nam. Thị trường chứng khoán Việt Nam có sự điều chỉnh mạnh thời gian gần đây sau khi đã tăng trưởng quá nóng. Tuy nhiên điều này xuất phát từ nội tại và chu kỳ của thị trường. Chỉ số P/E trung bình (giá/lợi nhuận mỗi cổ phiếu) đang ở mức quá cao với một thị trường mới nổi như Việt Nam dẫn tới việc điều chỉnh là phù hợp. Cuộc chiến thương mại toàn cầu là một yếu tố rủi ro, có tác động nhưng không đáng kể.
TBKTSG: Xa hơn nữa, đằng sau chiến tranh thương mại còn ẩn hiện chiến tranh tiền tệ mà chủ yếu là tỷ giá hối đoái giữa các đồng tiền. Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã giảm giá liên tiếp so với đô la Mỹ trong thời gian qua, có chuyên gia cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẵn sàng sử dụng đồng nội tệ yếu như một “vũ khí” trong trường hợp chiến tranh thương mại. Quan điểm của ông về việc này thế nào?
– Trung Quốc chịu nhiều cáo buộc về việc làm yếu đồng nhân dân tệ một cách có chủ đích trong thời gian dài để hỗ trợ cán cân thương mại. Tuy nhiên bối cảnh hiện nay đã khác, nền sản xuất của Trung Quốc hiện đã đủ lớn để khai thác các yếu tố lợi thế theo quy mô trong sản xuất công nghiệp. Một chính sách đồng nhân dân tệ yếu hiện không mang lại nhiều lợi ích cho Trung Quốc mà mang lại nhiều rủi ro hơn cho nền kinh tế này.
Thực tế hiện nay Trung Quốc đang quản lý tỷ giá theo hướng thị trường hơn, mục tiêu lâu dài của nước này là đưa đồng nhân dân tệ trở thành một công cụ thanh toán quốc tế, cạnh tranh và thay thế các đồng tiền lớn như đô la Mỹ, euro của EU hay yên Nhật. Xuất phát từ yếu tố văn hóa nước này, các nhà lãnh đạo kinh tế Trung Quốc thường theo đuổi các mục tiêu lớn, tính toán dài hạn hơn là các mục tiêu ngắn hạn.
Việc giảm giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc những ngày qua không đơn thuần là phản ứng trước chính sách thương mại của Mỹ. Thực chất đồng nhân dân tệ đã tăng giá khá lớn so với đô la Mỹ trong năm 2017. Bản thân đô la Mỹ lại đi xuống trong năm 2017 và hồi phục mạnh mẽ trong nửa đầu 2018. Nhân dân tệ do đó đã tăng giá kép với các đồng tiền khác trong giai đoạn 2017- nửa đầu 2018.
Cho nên hành động phá giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc vừa qua có thể chỉ đơn thuần phản ánh các yếu tố thị trường. Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc liên tục sụt giảm trong sáu tháng đầu năm 2018, quy mô thặng dư thương mại thu hẹp và áp lực dòng vốn chảy ra nước ngoài tăng lên.
TBKTSG: Theo ông, Việt Nam chịu tác động ra sao khi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ? Những ngày qua, tỷ giá đô la Mỹ và tiền đồng của Việt Nam đã có sự biến động theo hướng tăng. Trong bối cảnh hiện nay, chính sách tỷ giá của Việt Nam nên như thế nào?
– Hệ lụy đến Việt Nam khi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ là có. Chúng ta chịu áp lực lớn để duy trì sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước với hàng Trung Quốc. Sức ép tỷ giá lên tiền đồng sẽ lớn hơn trong giai đoạn hiện nay khi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Trong diễn biến tương tự năm 2015, tiền đồng cũng chịu áp lực giảm giá lớn khi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ.
Nhưng đối với nước ta, bản thân việc phá giá đồng nội tệ một lần sẽ không hỗ trợ được xuất khẩu mà ngược lại sẽ tạo ra các biến động vĩ mô tiêu cực, đặc biệt là đối với lạm phát. Lạm phát đến lượt mình lại nhanh chóng trung hòa tác động của lần phá giá đến lợi thế của các doanh nghiệp xuất khẩu. Để hỗ trợ xuất khẩu, cần một chính sách tiền đồng yếu, được thực hiện một cách có chiến lược và ổn định trong dài hạn. Việc phá giá một lần không hỗ trợ được xuất khẩu.
Chính sách tỷ giá nên được điều chỉnh linh hoạt hơn khi môi trường quốc tế có biến động, tiền đồng cần được định giá sát với thị trường. Cần tránh việc sử dụng dự trữ ngoại hối để can thiệp sâu, thực hiện các mục tiêu phi thực tế giữ ổn định đồng nội tệ. Phát triển các công cụ tài chính phái sinh tỷ giá cũng là một giải pháp quan trọng giúp doanh nghiệp phòng ngừa rủi ro về tỷ giá.