Tại diễn đàn cấp cao “Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ” lần thứ 4 diễn ra ngày 13-7 tại Hà Nội, ông Chu Ngọc Anh cho biết trong 10 năm qua, kinh tế số của Việt Nam đã có những sáng tạo không ngừng, cả về nền tảng hạ tầng và thị trường kinh doanh.
Nếu như năm 2007, có 17 triệu người dùng Internet tại Việt Nam thì chục năm sau, con số này đã tăng lên tới 64 triệu người, chiếm 67% dân số.
Trong hệ sinh thái số của Việt Nam có 3 thị trường nổi bật là viễn thông, công nghệ thông tin và thương mại điện tử. Trong ba thị trường này, các chỉ số về doanh số và tính phức tạp của thị trường đều tăng điểm.
Ví dụ ngành công nghệ thông tin có doanh thu đạt hơn 67 tỉ đô la Mỹ; viễn thông 62 tỉ đô la, tuyển dụng 800.000 lao động.
Lĩnh vực thương mại điện tử cũng tăng trưởng vượt bậc cả về doanh thu và quy mô thị trường, nằm trong top 3 thị trường thương mại điện tử tăng trưởng nhanh nhất thế giới với mức tăng tới gần 70%. Năm 2017, 21 doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử nhận được đầu tư nước ngoài với tổng số vốn lên tới 83 triệu đô la…
Việt Nam đã có chủ trương chính sách lớn, kể cả các văn kiện, nghị quyết và nhiều chỉ đạo quan trọng khác. Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về cuộc cách mạng mới theo 5 nhóm giải pháp là: hạ tầng, môi trường kinh doanh, hệ thống đổi mới sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp, nguồn nhân lực. Trong đó, đào tạo nguồn nhân lực được xác định là yếu tố quan trọng nhất.
Theo ông Chu Ngọc Anh, có bốn kịch bản mà quốc tế đã phác thảo cho Việt Nam trước cuộc CMCN 4.0 nhưng hướng đi phù hợp nhất là hài hòa giữa việc tập trung sản xuất hiện tại, tiếp nhận phát triển công nghệ theo hướng riêng của mình ở những khu vực có lợi thế, phát triển kinh tế số và sản xuất thông minh.
Trong đó, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ có nhiệm vụ tập trung vào chuyển đổi số; doanh nghiệp dẫn đầu có trách nhiệm hỗ trợ chuyển đổi số và tăng cường năng lực theo sản phẩm riêng của mình, còn chính sách của nhà nước sẽ lấy doanh nghiệp là trung tâm.