Hiệp ước Basel 2 là chuẩn mực quốc tế mà hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam đang hướng đến thí điểm từng bước áp dụng, nhằm củng cố an toàn và hiệu quả hoạt động.
Ba năm trước, Ngân hàng Nhà nước từng lựa chọn 10 ngân hàng thương mại đầu tiên để lên kế hoạch thí điểm thực hiện. Tuy nhiên, đến nay chưa có thành viên nào trong nhóm này công bố triển khai xong.
Trong năm 2017, lần đầu tiên hệ thống có thành viên tuyên bố đã áp dụng đầy đủ và toàn diện Basel 2 là Ngân hàng Phương Đông (OCB). Với những thành viên lớn, đặc biệt ở khối ngân hàng thương mại mà Nhà nước đang nắm sở hữu chi phối, đang chiếm phần lớn thị phần, chưa có trường hợp nào thực hiện được.
Theo đề án tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam giai đoạn 2, mục tiêu xác định đến năm 2020 sẽ có những thành viên đạt được chuẩn mực này.
Trao đổi với VnEconomy mới đây, lãnh đạo Vietcombank cho biết đang ráo riết thực hiện những bước cuối cùng để tiến tới thực hiện áp dụng các chuẩn mực Basel 2 một cách toàn diện và đầy đủ trong tháng 7/2018.
Theo đó, dự kiến đây sẽ là ngân hàng lớn đầu tiên của Việt Nam thực hiện hành công, sớm trước mục tiêu của đề án trên hơn hai năm.
Cụ thể, trong những năm gần đây, Vietcombank đã tập trung chuẩn bị, triển khai các đề án cụ thể để tiến tới áp dụng Basel 2, trong đó có tới 82 sáng kiến để hoàn thiện đến bước cuối cùng.
Đầu năm nay, Vietcombank cũng đã hoàn thành xây dựng mô hình lượng hóa xác suất vỡ nợ đối với rủi ro tín dụng theo tiêu chuẩn Basel 2 và là ngân hàng tiên phong sẵn sàng cho việc áp dụng hiệp ước quốc tế này theo phương pháp nâng cao (IRB).
Trước nữa, từ cuối năm 2016, đây cũng là ngân hàng thương mại đầu tiên hoàn tất việc mua lại toàn bộ nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), để đưa bảng cân đối tài chính thực sự về “một sổ” – một bước quan trọng để thực hiện Basel 2.
Tuy nhiên, như đặc thù của khối ngân hàng thương mại có tỷ lệ sở hữu chi phối của Nhà nước, Vietcombank những năm qua gặp khó khăn nhất định trong các bước tăng vốn điều lệ để nâng cao năng lực tài chính, đặc biệt là để đáp ứng hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR).
Trước đây, ngân hàng này từng mất tới khoảng hai năm để cân đối đảm bảo tỷ lệ CAR theo tiêu chuẩn của Việt Nam, mà nguyên do chủ yếu cũng xuất phát từ mô hình sau cổ phần hóa gắn với yêu cầu tăng vốn, khi Nhà nước vẫn nắm tỷ lệ sở hữu chi phối và khó khăn trong bố trí ngân sách…
Lần này, để đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ CAR theo tiêu chuẩn Basel 2, Vietcombank đang có kế hoạch tăng vốn điều lệ qua phương án phát hành cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. Kế hoạch này hiện vẫn đang được xúc tiến, trong đó có bước thực hiện thuê tư vấn định giá và cần thêm thời gian.
Theo lãnh đạo Vietcombank, trong trường hợp kế hoạch chào bán tăng vốn nói trên chậm do những yếu tố khách quan, ngân hàng có thể sẽ sử dụng phương án phát hành trái phiếu dài hạn để tăng vốn cấp 2, nâng cao hệ số CAR – hướng giải pháp đã thực hiện thành công trong hai năm qua.
Như vậy, trong cả hai hướng dự kiến, nếu đẩy nhanh và phát hành tăng vốn thành công, Vietcombank sẽ chủ động hơn trong định hướng sớm áp dụng thành công Basel 2, hoặc ở hướng phát hành trái phiếu nói trên để đảm bảo lộ trình dự kiến của mình. Cả hai hướng này đều nhằm đích hoàn thành sớm trước hơn hai năm so với mục tiêu đề ra tại đề án tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam đến 2020.