Trong báo cáo riêng về thị trường vốn Việt Nam 2017, công ty tư vấn Oxford Business Group (OBG) cho rằng với tình hình tăng trưởng kinh tế đều đặn, doanh thu doanh nghiệp ổn định và nhu cầu tài chính của các công ty trong nước đã thúc đẩy thị trường chứng khoán và các hoạt động quỹ tư nhân. Nhờ đó thị trường vốn Việt Nam đã có những bước phát triển khá chắc chắn trong vài năm gần đây.
Thị trường chứng khoán Việt với hai sàn HOSE và HNX từng lên đỉnh vào năm 2007, nhưng sau đó rơi mạnh vào năm 2008 với khoảng 16 tỷ USD bị thổi bay khỏi giá trị thị trường. Nguyên nhân là những lo ngại về vấn đề lạm phát, nước Mỹ suy thoái và chính sách thắt chặt tiền tệ. Sau giai đoạn này, quá trình phục hồi diễn ra chậm chạm trong những năm đầu và dần tăng tốc trong những năm gần đây.
“Chứng khoán Việt Nam có lúc đi lên đi xuống, nhưng nhìn chung không rung lắc nhiều như ở một số nước khác”, ông Nguyễn Thành Long, chủ tịch HNX nói với OBG. Một trong số các nguyên nhân, theo ông Long, là tỷ lệ tương đối nhỏ của khối ngoại, bên cạnh đó còn nhờ tình hình kinh tế vĩ mô tương đối ổn định.
Tuy vậy, trong một nghiên cứu khác công bố cách đây không lâu của hãng tư vấn McKinsey, Việt Nam nằm ở vị trí tương đối thấp trong nhóm các thị trường mới nổi châu Á – Thái Bình Dương cũng như trên thế giới trong vấn đề thị trường vốn.
Theo đó, bảng chỉ số phát triển thị trường vốn châu Á McKinsey, Việt Nam xếp cuối trong số 12 nước thuộc khu vực châu Á Thái Bình Dương được khảo sát với 1,2 trên 5 điểm. Ba tiêu chí “quy mô đầu tư”, “cơ hội đầu tư” và “hiệu quả chi phí giá” có mức đánh giá lần lượt là “nông”, “nông” và “rất nông”.
Trong khi đó các nước láng giềng như Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan được chấm lần lượt 2,45/5; 2,8/5; 3,25/5 điểm. Đứng đầu là Nhật Bản với 4/5 điểm.
Bảng chỉ số phát triển thị trường vốn các nước châu Á – Thái Bình Dương của McKinsey.
|
Theo McKinsey, Việt Nam và các nền kinh tế mới nổi phải đối mặt với ba vấn đề chính, trong đó, các thị trường sơ cấp mang tính rủi ro cao và ít lựa chọn đáng tin cậy cho giới phát hành vốn. Ngoài ra, các thị trường mới nổi có ít sản phẩm phù hợp với nhu cầu của nhà đầu tư; chi phí đầu tư cũng đắt đỏ khi nhà phát hành vốn có thể phải chịu mức chi phí cao hơn 120% so với các thị trường phát triển ở sản phẩm chứng khoán nợ.
Tại các thị trường mới nổi như Việt Nam, nhà đầu tư đổ một lượng lớn tiền tiết kiệm vào các tài sản vật lý như vàng, bất động sản, gửi tiết kiệm trong ngân hàng. Danh mục các khoản đầu tư ít ỏi hầu hết là trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp và cổ phiếu. Họ cũng đối mặt với tình trạng lợi tức nghèo nàn từ các sản phẩm thị trường vốn, chủ yếu do tính không ổn định ở mức cao.
Ngoài ra, người muốn gửi tiền tiết kiệm dài hạn không có nhiều cơ hội để rót tiền vào các quỹ hưu trí, sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Cộng với tình trạng dân số già hóa nhanh, người dân những nước này đối mặt với tình trạng sẽ trở thành thế hệ già đói nghèo.
Khi nhìn vào từng sản phẩm cụ thể trong thị trường vốn, Việt Nam tiếp tục đứng cuối bảng trong bảng nghiên cứu của McKinsey.
Cụ thể, trong số 20 nước được nghiên cứu, Việt Nam ở mức 0 (rất nông) về các sản phẩm vốn phát hành tư nhân gồm cổ phiếu, trái phiếu, các sản phẩm chứng khoán hóa.
Việt Nam đứng cuối bảng về độ sâu tài chính của thị trường sơ cấp
|
Khi nhìn vào tỷ lệ các sản phẩm dài hạn so với ngắn hạn, tỷ lệ phần trăm của Việt Nam cũng nằm trong nhóm “rất nông”, dưới 25% cùng với Indonesia.
Chi phí vốn của Việt Nam, cùng với nhiều nước châu Á khác như Ấn Độ, Philippines, Pakistan, nằm ở nhóm cao trên 14%. Trong khi đó, các nền kinh tế phát triển như Đức, Nhật, Mỹ, Anh được xếp vào nhóm có chi phí vốn dễ chịu hơn.
Cũng vì nghèo nàn về các sản phẩm trên thị trường vốn, Việt Nam tiếp tục đứng cuối trong bảng xếp hạng về cơ hội đầu tư các loại hình tài sản trên thị trường như Cổ phiếu, trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp, các sản phẩm chứng khoán hóa. Cùng nhóm với Pakistan, Nga, Indonesia, Việt Nam đứng cuối bảng với mức điểm 50%.
Bảng chỉ số về cơ hội đầu tư đối với các loại hình tài sản trên thị trường vốn.
|
Trong khảo sát của McKinsey, một chỉ số Việt Nam đứng trên nhiều nước là về hệ số Sharpe, thước đo lợi nhuận thu được trên một đơn vị rủi ro đầu tư.
Phần số liệu này được McKinsey thu thập từ 2008 đến 2015, giai đoạn thị trường dần phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính. Đây là thời kỳ hầu hết các thị trường không mấy ổn định do vẫn còn nhiều rủi ro. Chỉ có ba thị trường là Philippines, Thái Lan và Mỹ có hệ số Sharpe lớn hơn 1. Việt Nam nằm trong nhóm Yếu cùng với 16 nước khác và đứng thứ hai trong nhóm này sau Singapore, với hệ số ở 0,72%.
McKinset nhận định, với những bất ổn trong thị trường vốn, các nền kinh tế mới nổi châu Á, bao gồm Việt Nam có thể bỏ lỡ nguồn vốn tới 800 tỷ USD mỗi năm. Theo McKinsey, các quốc gia này cần nhận ra những vấn đề nội tại trong thị trường vốn, tận dụng tiềm năng về nguồn vốn 800 tỷ USD nói trên để đầu tư cho cơ sở hạ tầng, gia tăng tăng trưởng kinh tế và kéo hàng triệu người thoát khỏi tình trạng đói nghèo.