ECB đang cân nhắc chấm dứt chương trình nới lỏng định lượng (QE) và tăng lãi suất cơ bản nhằm ngăn chặn dòng vốn tháo chạy khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Chặn dòng vốn chảy khỏi khu vực
Các chuyên gia cho rằng, việc ECB xem xét chấm dứt QE có nghĩa là việc thắt chặt tiền tệ sẽ được thực hiện, qua đó đẩy EUR lên cao hơn.
“ECB có thể sẽ chấm dứt QE vào tháng 12 sắp tới”, ông Patrick Armstrong, chuyên gia của Plurimi Investment Managers nhận định.
Trong khi đó, các chuyên gia khác cho rằng, việc chấm dứt QE sẽ chỉ xảy ra sớm nhất là vào tháng 7 tới. Bởi nếu ECB quyết định quá sớm, sẽ khiến một số quốc gia đang bất ổn, như Italy, Tây Ban Nha, Hy Lạp,… sẽ càng gặp nhiều khó khăn hơn.
Ngoài ra, giới chuyên gia nhận định, ECB cũng có thể sẽ tăng lãi suất huy động thêm 0,1% vào tháng 9 tới, chấm dứt chính sách lãi suất âm (NIRP). Bên cạnh đó, ECB cũng có thể tăng lãi suất cơ bản, hiện ở mức 0%.
Việc ECB xem xét tăng lãi suất nhằm đối phó với chính sách thắt chặt tiền tệ của FED khi cơ quan này đang đẩy mạnh tốc độ tăng lãi suất cơ bản, hiện ở mức 1,5-1,75%. Trong trung hạn, lãi suất cơ bản của Mỹ có thể tăng lên mức 2,75-3% . Điều này sẽ làm các nhà đầu tư châu Âu ngày càng có xu hướng rút vốn của họ khỏi Eurozone và chuyển hướng sang Mỹ. Do đó, ECB đang cố gắng ngăn chặn điều này, vì một kịch bản như vậy có thể đe doạ đến đầu tư ở châu Âu.
Đối sách của Việt Nam
Chuyên gia tài chính Phạm Nam Kim cho rằng, những diễn biến tình hình kinh tế thế giới chủ yếu tác động đến lĩnh vực ngoại thương. Khi nền kinh tế thế giới bất ổn, xuất khẩu của Việt Nam sẽ gặp khó khăn.
“EU đang tích cực đưa ra những chính sách điều chỉnh đồng EUR để có thể giành thế cân bằng với đồng USD. Đồng thời, việc EU chuyển sang sử dụng giao dịch bằng đồng EUR cũng sẽ rất có khả năng xảy ra”, ông Kim cho biết.
Bên cạnh đó, những căng thẳng thương mại giữa EU và Mỹ đã làm các nhà đầu tư tại khu vực châu Âu cân nhắc dịch chuyển đầu tư sang các thị trường khác, trong đó có các quốc gia Đông Nam Á, như Việt Nam. Các nhà đầu tư sẽ hướng tới những cơ hội mang đến lợi nhuận cao và rủi ro thấp, đồng thời tin tưởng thị trường của những nền kinh tế mới nổi sẽ mang lại những gì họ mong muốn.
Theo ông Phạm Nam Kim, Việt Nam được đánh giá có nền tài khóa và chính trị tương đối ổn định; đồng thời chính phủ có nhiều chính sách ưu đãi. Đó là một cơ hội rất tốt mà ta cần nắm bắt vì Việt Nam đang cần những nguồn vốn khổng lồ để tái cấu trúc nền kinh tế và duy trì mức độ phát triển của những năm vừa qua. Do đó, Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục duy trì sự ổn định nền kinh tế vĩ mô cũng như khả năng ngăn chặn lạm phát để tạo môi trường đầu tư ổn định nhằm hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài”.