Malaysia dẫn đầu
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 2/2018, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 270.000 tấn xăng dầu từ Malaysia với giá trị gần 156 triệu USD, nâng tổng lượng nhập khẩu xăng dầu từ nước này trong 2 tháng đầu năm 2018 đạt 702.000 tấn, tương đương 415 triệu USD.
Nếu so sánh với con số gần 440.000 tấn xăng dầu được nhập khẩu trong tháng 1/2018 thì lượng xăng dầu nhập khẩu từ Malaysia trong tháng 2 đã sụt giảm 1,6 lần, tuy nhiên vẫn đủ giúp Malaysia tiếp tục dẫn đầu về nguồn cung xăng dầu cho thị trường Việt Nam.
Đứng vị trí thứ hai là Singapore khi cung cấp cho Việt Nam 209.000 tấn xăng dầu, tương đương 124 triệu USD trong tháng 2/2018. Tính chung trong 2 tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã nhập khẩu 389 triệu tấn xăng dầu từ Singapore, tương đương 235 triệu USD.
Ngoài ra, Việt Nam cũng nhập khẩu xăng dầu từ Trung Quốc và Thái Lan, với lần lượt 120.000 tấn và 104.000 tấn trong tháng 2/2018.
Trong 2 tháng đầu năm 2018, xăng dầu nằm trong top 10 nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất với 1,4 tỷ USD, tăng 55% so với cùng kỳ năm 2017.
Trước đó, năm 2017 Việt Nam đã nhập khẩu 12,86 triệu tấn xăng dầu, trị giá 7,04 tỷ USD, tăng 9,4% về lượng và tăng 38,3% về trị giá so với năm 2016.
Giá xăng dầu nhập khẩu vào thị trường Việt Nam trong năm 2017 đạt mức trung bình 547,4 USD/tấn, tăng 26,5% so với năm 2016.
Đáng chú ý, năm 2017 Việt Nam nhập khẩu tới 4,3 triệu tấn xăng dầu từ Singapore – đứng đầu trong các thị trường nhập khẩu, chiếm 33,5% trong tổng lượng xăng dầu nhập khẩu của Việt Nam.
Đứng thứ hai là Hàn Quốc, khi cung cấp cho Việt Nam 3,03 triệu tấn xăng dầu trong năm 2017, chiếm 23,6% trong tổng lượng xăng dầu nhập khẩu của cả nước.
Nhập khẩu xăng dầu từ thị trường Malaysia chỉ đứng thứ ba với 2,61 triệu tấn, chiếm 20,3% tổng lượng xăng dầu nhập khẩu.
Hy vọng giá xăng dầu giảm nhờ CPTPP?
Trong một diễn biến khác, Việt Nam vừa chính thức ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào ngày 9/3/2018. Trong 11 nước tham gia CPTPP có Singapore và Malaysia – hai nước mà Việt Nam đang nhập khẩu xăng dầu nhiều nhất.
Theo cam kết từ CPTPP, các nước thành viên sẽ tiến tới việc cắt giảm thuế suất bằng 0% trong vòng 7 năm. Điều này sẽ mở ra cơ hội nhập khẩu xăng dầu với mức giá rẻ hơn trước.
“Đây là ưu điểm của CPTPP. Khi thuế suất các loại hàng hóa dần tiến tới 0%, tất cả các nước sẽ đều được hưởng lợi”, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nói với VnEconomy.
Tuy nhiên, thuế nhập khẩu giảm có kéo giá xăng dầu trong nước giảm theo? Khó có thể đưa ra câu trả lời chính xác, nhất là trong bối cảnh Bộ Tài chính vừa đưa ra lấy ý kiến việc tăng thuế môi trường lên kịch khung 4.000 đồng/lít.
Nguyên nhân dẫn đến đề xuất tăng thuế môi trường lên kịch khung của Bộ Tài chính được cơ quan này lý giải, xuất phát từ các cam kết giảm thuế nhập khẩu theo các hiệp định thương mại tự do đã dẫn đến số thu từ hoạt động nhập khẩu xăng dầu liên tục giảm qua các năm.
Cụ thể, năm 2017, số thu từ hoạt động nhập khẩu xăng dầu từ thị trường ASEAN giảm 97% so với năm 2016.
Khi thuế bảo vệ môi trường tăng lên thì giá xăng dầu cũng sẽ tăng theo. Bởi đối với xăng, tỷ lệ tăng thuế bảo vệ môi trường trong giá bán chiếm khoảng 4,9%; đối với dầu diesel khoảng 3,2%; đối với dầu mazut khoảng 8,9%; đối với dầu nhờn khoảng 0,6% và đối với mỡ nhờn khoảng 2,3%.
Như vậy, khi Việt Nam hội nhập, thuế nhập khẩu được cắt giảm nhưng các loại thuế trong nước lại tăng lên, vì thế khó có thể khẳng định sau khi ký kết FTA hay CPTPP, giá xăng dầu trong nước sẽ giảm.