Đây là thông tin được Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố mới đây.
Theo đó, mặc dù tháng 8/2018, Việt Nam chỉ thu hút được khoảng 1,4 tỷ USD. Trong đó, bao gồm cả vốn đầu tư mới, vốn mở rộng đầu tư và góp vốn mua cổ phần.
Điều đáng chú ý, nếu chỉ trong 7 tháng đầu năm 2018, số thương vụ góp vốn, mua cổ phần chỉ dừng lại ở con số 476 lượt, tuy nhiên, chỉ tính riêng tháng 8/2018, thị trường đầu tư Việt Nam đã ghi nhận 1.200 dự án với tổng vốn trị giá 490 triệu USD. Trong khi đó, tổng vốn đăng ký cho dự án đầu tư mới trực tiếp mới đạt 280 triệu USD và 109 dự án điều chỉnh tăng với giá trị đạt khoảng 630 triệu USD.
Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thế, 8 tháng năm 2018, Việt Nam ghi nhận 1.918 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký là 13,48 tỉ đô la, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2017. Ngoài ra, có 736 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 5,58 tỉ USD, bằng 87,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Những con số này có lẽ là những minh chứng rõ nét góp phần tạo ra những con số tăng trưởng của hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) trong thời gian qua tại Việt Nam.
Theo đó, Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng M&A tốt, với số thương vụ và giá trị thương vụ lớn ngày một nhiều. Trong đó không thể không nhắc tới thương vụ Sabeco.
Cụ thể, tổng giá trị M&A tại thị trường Việt Nam trong 10 năm qua đã đạt con số “khủng” khoảng 49 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức khoảng 17%. Điều đáng nói, năm 2017 con số này đạt mức kỷ lục là 10,2 tỉ USD.
Hiện nay, hoạt động M&A tại Việt Nam đang ghi nhận dòng vốn từ nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó, dòng chảy chính là từ các nhà đầu tư trong khu vực, trong đó có thể kể đến như Nhật, Singapore, Mỹ…
Nhận định về xu hướng M&A trong thời gian tới, ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG Việt Nam nhận định: “Với đà tăng trưởng như hiện nay, trong nhiều năm tới, nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục có lực hút M&A trên nhiều lĩnh vực”.
Theo kết quả nghiên cứu được đưa ra tại Diễn đàn M&A mới đây, trong năm 2018 và những năm tiếp theo, các thương vụ M&A sẽ tiếp tục tập trung vào lĩnh vực hàng tiêu dùng, bán lẻ và bất động sản. Các lĩnh vực viễn thông, năng lượng, hạ tầng, dược phẩm, giáo dục được kỳ vọng sẽ đóng góp đáng kể cho hoạt động M&A tại Việt Nam giai đoạn tới. Ngoài ra, cũng có thể trông đợi vào các thương vụ thoái vốn của những doanh nghiệp nhà nước lớn.