Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) không có Mỹ đã mở ra những cơ hội và thách thức cho 11 nền kinh tế thành viên, trong đó có Việt Nam.
Khẳng định xu thế toàn cầu hóa
Trước tiên phải lưu ý tới một yếu tố hết sức quan trọng là yếu tố chính trị ban đầu khi hình thành TPP. Với TPP, người Mỹ, theo tính toán của chính quyền Obama, hy vọng sẽ tạo ra được một khu vực bao gồm một nhóm quốc gia có lợi ích chiến lược về kinh tế và chính trị với Mỹ. Và khu vực này sẽ nằm dưới sự dẫn dắt luật chơi và vai trò đầu tàu cả về kinh tế lẫn chính trị của Mỹ. Vì vậy khi Mỹ rút khỏi TPP thì sự ra đời của CPTPP trở nên thuần túy mang ý nghĩa kinh tế.
CPTPP được ký đúng vào lúc Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh thi hành thuế đối với thép (25%) và nhôm (10%) nhập khẩu vào Mỹ. Điều này, thứ nhất, cho thấy cuộc chơi toàn cầu hóa vẫn tiếp diễn mà không đợi Mỹ. Thêm vào đó, cần phải hiểu rằng, về thực chất, chính sách của chính quyền Trump chỉ nhằm mặc cả lại lợi ích của Mỹ với từng đối tác theo cách song phương thay vì đa phương chứ không thể hiện Mỹ từ bỏ toàn cầu hóa.
Thứ hai, Nhật Bản nổi lên như một người dẫn dắt cuộc chơi trong CPTPP. Thực ra, nền kinh tế Nhật phụ thuộc nhiều vào toàn cầu hóa. Các công ty Nhật phải triển khai ra bên ngoài và họ phụ thuộc nặng nề vào thương mại toàn cầu. Vì lý do này mà người Nhật tỏ ra nhiệt tình với quá trình toàn cầu hóa và trong trường hợp này là nhiệt tình với CPTPP.
Tuy nhiên, vốn là một nền kinh tế có khu vực công còn lớn, có nhiều chính sách thiếu mở cửa, vai trò dẫn dắt của Nhật Bản vì thế cũng rất hạn chế. Thậm chí, nhiều học giả cũng như các nhà chính trị Nhật Bản đều cho rằng Nhật Bản chưa sẵn sàng làm người dẫn dắt như Mỹ.
Hơn nữa, Nhật Bản có sự phụ thuộc nhất định vào Trung Quốc. Nền kinh tế Nhật lệ thuộc nhiều vào xuất khẩu trong khi Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Nhật (2017) chiếm 19% tổng xuất khẩu của Nhật, sau Mỹ với tỷ trọng 19,3%.
Như vậy, vai trò dẫn dắt của Nhật sẽ càng mờ nhạt nếu phải đối lập với Trung Quốc. Nếu nhìn vào danh sách các quốc gia tham dự, nhóm này không gồm một số thành viên quan trọng ở châu Á như Hàn Quốc, Indonesia, và Phillippine. Thêm vào đó, việc Mỹ rút khỏi cuộc chơi làm cho sức mạnh của nhóm này giảm rất nhiều bởi nền kinh tế này chiếm tới 62% GDP của TPP.
Như vậy, sự ra đời của CPTPP phản ánh sự không thể đảo ngược lại của quá trình toàn cầu hóa. Tuy nhiên, tầm quan trọng về kinh tế và sức hút của nhóm này đối với khu vực và trên thế giới không còn cao như TPP.
Điển hình từ… dệt may
Việt Nam được cho là được hưởng lợi nhiều nhất nếu TPP thành hiện thực. Tuy nhiên, với CPTPP thì những kỳ vọng này bị suy giảm đáng kể.
Đối với thương mại, ngành may mặc và giày dép là lĩnh vực hết sức quan trọng vì nó đem lại nhiều lợi ích về tạo việc làm và thu nhập cho chính người Việt, và cũng là lĩnh vực được xem là sẽ được hưởng lợi nhiều nhất. Số liệu thống kê năm 2015, tổng xuất khẩu giầy dép, may mặc chiếm tới 21,2% tổng xuất khẩu. Tỷ trọng xuất khẩu của điện tử là lớn nhất chiếm 36,5% tổng xuất khẩu, nhưng đây là phần thuộc về FDI là chủ yếu và cũng không thể so với ngành dệt may về mặt tạo việc làm cho người Việt.
Trong khi đó, thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành may và giày dép lại là Mỹ chiếm tới 42,47% thì lại không được hưởng vì Mỹ không nằm trong CPTPP. Thị trường còn lại lớn nhất trong CPTPP là Nhật Bản cũng chỉ chiếm 11,38%. Tất cả các thành viên còn lại trong CPTPP chiếm tỷ trọng không đáng kể.
CPTPP hình thành cũng sẽ mang lại cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu nói chung, tuy nhiên, cơ hội này là không nhiều. Bởi hiện nay các nước CPTPP chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 15,7% kim ngạch xuất khẩu và khoảng 16% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam năm 2017. Đặc biệt, trong đó thì Nhật Bản hiện vốn đã có FTA với Việt Nam và là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam. Do đó, phần mở rộng xuất khẩu sau CPTPP không cao.
Xét về đầu tư, thì 10 nước trong CPTPP đang đầu tư vào Việt Nam khoảng 112 tỷ USD, chỉ tương đương 15% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam. Tương tự như đối với thương mại, dòng vốn FDI đang hoạt động từ Nhật Bản vào Việt Nam chưa cần đến CPTPP là rất lớn lên tới 42 tỷ USD. Và trong năm 2017, Nhật Bản đã vượt Hàn Quốc trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam. Nói cách khác, dư địa mở rộng FDI nhờ CPTPP không lớn.
Như vậy, doanh nghiệp cần nhìn thẳng vào những cam kết, trong “sân chơi” này để tận dụng CPTPP.