Mức giảm giá trên chủ yếu diễn ra vào những giây cuối của đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa (ATC). Tỷ lệ giảm giá của hợp đồng đáo hạn tháng 8 ngày 25/6 chỉ là hơn 6,9%, nhưng giao dịch chứng khoán phái sinh có tỷ lệ ký quỹ thấp, tức đòn bẩy tài chính cao, nên những nhà đầu tư mở vị thế mua hợp đồng này trước khi bước vào đợt khớp lệnh đóng cửa lỗ lớn; nếu mua tại mức giá tham chiếu (giá đóng cửa cuối phiên giao dịch liền trước) thì ước tính lỗ khoảng 50%; mua tại mức giá cao trong phiên thì mức lỗ còn lớn hơn nhiều.
Hiện tại, để tham gia giao dịch hợp đồng tương lai, nhà đầu tư chỉ cần ký quỹ khoảng 13,5% giá trị dự kiến mua – bán. Trong phiên 25/6, giá giao dịch hợp đồng tháng 8 trung bình là 975,9 điểm, tương đương gần 97,6 triệu đồng/hợp đồng, nhưng nhà đầu tư chỉ cần ký quỹ khoảng 13,5%, tức khoảng 13 triệu đồng là có thể đặt lệnh mua – bán.
Theo đó, với mức giảm giá 67 điểm, tương đương mỗi hợp đồng giảm 6,7 triệu đồng, nhà đầu tư mở vị thế mua lỗ lớn, tài khoản ngay lập tức ghi nhận khoản lỗ này và phải thanh toán tiền chênh lệch cho bên bán vào sáng hôm sau.
Mức giá giảm này khiến tỷ lệ tài khoản (giá trị ký quỹ yêu cầu/tài sản hợp lệ) của nhà đầu tư mở vị thế mua tăng vọt, vượt quá ngưỡng quy định, nếu không kịp thời bổ sung tài sản bảo đảm trước phiên giao dịch sáng 26/6 thì công ty chứng khoán sẽ thực hiện giải chấp (tức bán ra chứng khoán).
Lúc đó, nhà đầu tư “cháy” một nửa tài khoản (nếu “tất tay” vào thương vụ mua hợp đồng đáo hạn tháng 8) sẽ không có cơ hội gỡ lại trong trường hợp giá phục hồi.
Quan sát diễn biến giao dịch trong phiên cho thấy, giá hợp đồng tương lai tháng 8 giảm mạnh trong đợt khớp lệnh ATC. Trong khi đó, giá các hợp đồng khác chỉ giảm mức tăng trong ngày, đóng cửa vẫn tăng giá so với cuối phiên liền trước, dù lệnh bán giá thấp liên tục được đưa vào hệ thống.
Chẳng hạn, hợp đồng đáo hạn tháng 7 có hơn 2.200 hợp đồng được bán với giá sàn trong phiên ATC (so với 2.515 hợp đồng này được khớp trong phiên ATC), nhưng đây là hợp đồng có tháng đáo hạn gần nhất nên thanh khoản cao (toàn phiên có hơn 83.000 hợp đồng đáo hạn tháng 7 được chuyển nhượng), nhiều lệnh mua – bán giúp giá không biến động quá mạnh.
Ngược lại, trong phiên 25/6, hợp đồng đáo hạn tháng 8 có tổng cộng 775 hợp đồng được giao dịch, giá cao nhất là 986,8 điểm, giá thấp nhất là 901 điểm, giá trung bình là 975,9 điểm, giá tham chiếu là 968 điểm. Trong đó, đợt khớp lệnh ATC có 54 hợp đồng được giao dịch, đây cũng là toàn bộ số hợp đồng được đặt mua.
Sau khi khớp lệnh tại mức giá 901 điểm, hợp đồng đáo hạn tháng 8 không còn lệnh dư mua, cũng không có lệnh dư bán giá thấp (dư bán giá thấp nhất là 977,8 điểm, cao hơn giá tham chiếu gần 10 điểm).
Giá hợp đồng này đột ngột giảm kỷ lục là do một số nhà đầu tư đặt lệnh bán giá thấp, chủ yếu là giá sàn trước thời điểm lệnh được khớp, trong khi bên mua thận trọng đặt mua giá thấp và không kịp đặt lệnh mua với giá cao để “hớt tay trên” lượng chào bán giá thấp (đây là lý do khiến không còn lệnh dư mua nào).
Diễn biến giảm giá trên nhiều khả năng là do một số nhà đầu tư đặt bán nhầm ở mức giá thấp, nhưng cũng không loại trừ một bộ phận nhà đầu tư muốn dìm giá hợp đồng đáo hạn tháng 8 nhằm hưởng lợi. Giá giảm thì nhà đầu tư mở vị thế bán trước đó hưởng lợi, giá tăng thì nhà đầu tư mở vị thế mua trước đó hưởng lợi.
Tuy nhiên, trong phiên giao dịch sau đó (26/6), nhà đầu tư nắm giữ vị thế bán có thể sẽ không giữ được thành quả nếu giá bật tăng trở lại. Khi đó, nhà đầu tư nắm giữ vị thế mua cũng không còn lỗ lớn.
Dự báo, mở cửa phiên 26/6, giá hợp đồng đáo hạn tháng 8 sẽ tăng cao. Bởi lẽ, nhà đầu tư nắm giữ vị thế mua trước đó sẽ không bán ra giá thấp, còn nhà đầu tư mở vị thế bán trước đó muốn hiện thực hóa lợi nhuận thì phải mua vào để đóng vị thế, mà muốn mua được thì tất yếu phải đặt mua ở mức giá cao, hoặc đặt loại lệnh khớp tại mức giá mở cửa (ATO).