Đồng thời, FED có thể còn 2 lần tăng lãi suất nữa trong năm nay. Tỷ giá USD/VNĐ đã biến động đáng kể, tỷ giá trung tâm liên tục xác lập kỷ lục mới, tỷ giá trên thị trường tự do vượt mức 23.000 đồng/USD.
ĐTTC đã trao đổi với ông TRẦN THANH HẢI, chuyên gia về vàng và ngoại tệ về vị thế hiện tại của đồng USD trên thị trường tài chính, cũng như tác động của đợt tăng lãi suất lần này và những lần tới đến tỷ giá USD/VNĐ.
PHÓNG VIÊN: – Thưa ông, trong chưa đầy 3 tháng nhậm chức Chủ tịch FED, Jerome Powell đã 2 lần tăng lãi suất đồng USD và chỉ số US Dollar Index đo lường biến động USD với 6 đồng tiền chủ chốt đã lên mức 94,66 điểm. Ông đánh giá như thế nào về vị thế của USD hiện nay?
Ông TRẦN THANH HẢI: – Việc Chủ tịch FED Jerome Powell tăng lãi suất đợt vừa rồi và dự kiến tiếp tục tăng thêm 2 lần nữa trong năm 2018, xuất phát từ sự trỗi dậy và phát triển của nền kinh tế Hoa Kỳ.
Thứ nhất, lần đầu tiên xét về mặt kinh tế học ở một nước tư bản phát triển như Hoa Kỳ, tỷ lệ thất nghiệp chỉ còn 3,6%. Đây là một hiện tượng đáng kinh ngạc vì thông thường ở các nước tư bản phát triển, tỷ lệ thất nghiệp tối thiểu 4-5%. Điều này cho thấy kinh tế Hoa Kỳ đang đi vào quỹ đạo phát triển tương đối bền vững.
Từ phát biểu của Tổng thống Donald Trump “Hoa Kỳ là trên hết”, họ đã mang việc làm về càng ngày càng nhiều, làm cho nền kinh tế mạnh lên, hút đồng USD trở về nước. FED tăng lãi suất USD lên cũng là động thái để tạo thêm lực cầu USD về nhằm tăng đầu tư trong nước. Yếu tố đó đã làm cho USD mạnh lên một cách căn bản.
Thứ hai, tình hình biến đổi địa chính trị trên thế giới gần đây có nhiều thay đổi. Đầu năm 2018, đồng USD suy yếu khi Hoa Kỳ quyết định dời sứ quán tại Israel từ Tel Aviv về Jerusalem, công nhận Jerusalem là thủ đô của nước này, đã dấy lên làn sóng bạo lực và đi ngược lại xu thế hòa hoãn ở khu vực này. Nhưng sau đó, sự dàn xếp của các nước lớn đã đẩy vụ Jerusalem lắng xuống.
Mới đây, cuộc gặp ngày 12-6 giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, cũng cho thấy chủ trương của Hoa Kỳ một mặt là “cây gậy” nhưng một mặt là “củ cà rốt” với các đối tác trên thế giới. Điều này cũng làm nguội đi nguy cơ chiến tranh hạt nhân, những xung đột trên toàn thế giới. Theo đó, vị thế của Hoa Kỳ trên toàn thế giới cũng tăng lên và đồng USD cũng mạnh lên theo.
Bên cạnh đó, thêm yếu tố nữa là các đối trọng của USD hiện chưa đủ mạnh. Đồng EUR, đối trọng lớn nhất đang có nhiều vấn đề, từ việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đắc cử đến các chính sách nhập cư khác nhau ở các nước lớn trong châu Âu như Anh, Pháp, Đức… Đồng bảng Anh cũng gặp những khó khăn đáng kể khi Anh tái khởi động Brexit. Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới nhưng đã bị Trung Quốc soán ngôi từ năm 2015.
Như vậy, những đồng tiền tiệm cận USD hiện nay đều có những khó khăn nội tại. Tổng hợp các yếu tố trên, xu thế USD mạnh lên là tất yếu, điều này sẽ ảnh hưởng đến giá (lãi suất) của USD. Đó là chưa kể việc FED tuyên bố sẽ tăng lãi suất thêm 2 lần nữa sẽ tiếp tục củng cố vị thế của đồng tiền này.
– Vì sao so với những lần trước, việc tăng lãi suất này của FED đã gây biến động mạnh đến tỷ giá USD/VNĐ, thưa ông?
– FED đã tăng lãi suất USD nhiều lần, từ thời bà Janet Yellen đến ông Jerome Powell nhưng tỷ giá trong nước không có biến động. Tuy nhiên, sau đợt tăng lãi suất mới đây, tỷ giá tự do trong nước từ ngày 17-6 đã tăng vượt 23.000 đồng/USD, kể cả tỷ giá trung tâm ±3% cũng đã vượt mức 23.000 đồng, và tỷ giá NHTM cũng đang tiệm cận mức này.
Nguyên nhân do những đợt tăng lãi suất trước trong bối cảnh nền kinh tế Hoa Kỳ hậu Obama tăng trưởng chưa rõ nét. Nhưng từ năm 2017 đến nay, nền kinh tế nước này bắt đầu tăng rõ, thể hiện qua GDP ổn định, tỷ lệ thất nghiệp giảm kỷ lục.
Thay đổi địa chính trị trong nhiệm kỳ Donald Trump đã giải quyết được những vấn đề tưởng như không thể giải quyết trong các nhiệm kỳ tổng thống trước, đã củng cố sức mạnh và vai trò dẫn dắt của Hoa Kỳ trên toàn cầu. Chính vì thế, đồng USD mạnh trở lại.
Trở lại thị trường Việt Nam, việc USD tăng giá được xem là cơ hội của các nhà kinh doanh tiền tệ, nhà đầu tư tài chính. Họ sẽ không bỏ lỡ và sẽ đầu tư vào đồng ngoại tệ, cụ thể là USD. Theo đó, khi FED tăng lãi suất, các NH, nhà đầu tư tài chính sẽ chọn kênh USD để đầu tư. Ngoài ra, dù NHNN tuyên bố dự trữ ngoại hối tăng 63 tỷ USD, nhưng cần phải đặt câu hỏi dự trữ ngoại hối dùng để làm gì, trong khi doanh nghiệp vẫn phải vay và trả nợ bằng USD.
Trong các tháng đầu năm, NHNN công bố tín dụng ngoại tệ, đặc biệt cho vay bằng USD tăng nhanh. Tín dụng ngoại tệ tăng vì lãi suất cho vay thấp hơn so với vay VNĐ dài hạn. Điều này cộng với việc lãi suất USD tại Hoa Kỳ tăng, các nhà buôn, những người vay nợ bằng USD đã nhanh chóng phòng vệ bằng cách mua USD. Cộng hưởng với việc giá USD tăng mạnh từ ngày 17-6 cùng những phán đoán giá USD tăng vững chắc trong năm 2018 và các khoản vay nợ đảo nợ bằng USD, đã dẫn đến xu hướng đầu tư vào ngoại tệ, làm cho giá USD trong nước tăng.
Yếu tố cuối cùng là thị trường nhà đất hiện nay có xu hướng đi ngang và thoái trào, thị trường chứng khoán 2 tháng vừa rồi có sự điều chỉnh xuyên thủng xuống dưới mức 1.000 điểm, thị trường vàng đi xuống, nên không loại trừ khả năng nhà đầu tư dùng một phần vốn thoái khỏi các thị trường đó đầu tư vào ngoại tệ làm cho giá USD tăng trong những ngày gần đây.
– Thực tế vẫn có nhiều cảnh báo thận trọng trước những rủi ro có thể xảy ra vì hiện vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài cũng ở mức cao. Ý kiến của ông như thế nào về vấn đề này?
– Vốn đầu tư gián tiếp (FII) là con dao 2 lưỡi của chính sách điều hành tỷ giá. Khủng hoảng kinh tế năm 1997 của châu Á và Đông Nam Á là bài học nhãn tiền về vốn FII, khi một dòng vốn này ồ ạt rút khỏi Thái Lan, Malaysia, Indonesia và nhiều nước khác.
Chính vì vậy, đứng trước dòng vốn FII vào Việt Nam thông qua thị trường chứng khoán và các công cụ khác cần phải thận trọng. Dòng vốn này vào rất nhanh nhưng cũng ra rất nhanh, và khi rút ra nhanh có thể làm đảo lộn thị trường tài chính của một quốc gia.
– Xin cảm ơn ông.