Theo đó, các công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư chứng khoán không được thực hiện các hoạt động phát hành, giao dịch và môi giới giao dịch liên quan tới tiền ảo trái pháp luật.
UBCKNN thông báo để các công ty, đơn vị được biết và nghiêm túc thực hiện theo quy định.
Tiền thuật toán hiện trong một vài năm trở lại luôn giữ vị trí tâm điểm quan tâm của giới tài chính và đầu tư toàn cầu, đặc biệt trong năm 2017, là thời điểm nóng khi Bitcoin lên tới 20.000/BTC, tạo cơn sốt toàn cầu. Câu hỏi lúc bấy giờ Bitcoin là gì? Tại sao nó lại có giá trị lớn như vậy? Liệu nó có phải là một bong bóng?
Cũng chính giai đoạn này, NHNN Việt Nam đã phải một lần nữa khẳng định không công nhận bitcoin hay các đồng tiền thuật toán tương tự không phải là tiền tệ và phương thức thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam.
Tuy nhiên, kể từ thời điểm đạt đỉnh 20.000 USD/BTC, bitcoin đã liên tục lao dốc xuống mốc 6.000 USD và hiện mới trở lại đà tăng trong 1 tuần gần đây, hiện đang giao dịch quanh mốc 8.000 USD/BTC.
Vậy vì sao phải cấm?
Thứ nhất, tiền thuật toán không phải là tiền tệ. Tiền thuật toán chưa thể được coi là đồng tiền vì tiền phải do ngân hàng trung ương phát hành và được các nước công nhận. Biến động của đồng tiền ảnh hưởng đến cán cân thanh toán, giá hàng hóa cũng như các đồng tiền khác. Tuy nhiên, tiền thuật toán không có các đặc tính nói trên.
Thứ hai, mức độ rủi ro cao. Theo nghiên cứu của công ty tư vấn ICO Satis Group thống kê được rằng trong năm 2017, xấp xỉ 78% các dự án ICO là lừa đảo, 4% đã thất bại, 3% đã “chết” và chỉ có 15% dự án được đưa lên sàn giao dịch. Có thể hiểu đơn giản rằng có 10 coin mới tiến hành ICO thì có đến 8 coin sẽ không có sản phẩm và trong 2 coin còn lại sẽ có 1 coin “chết”. Và tại Việt Nam, tiền thuật toán đã biến tướng thành hình thức đa cấp, lừa đảo nhà đầu tư. Gần đây là vụ lừa 15.000 tỷ đồng tại TP.HCM,với hơn 32.000 người đã bị lừa, thông qua mô hình đầu tư tiền ảo.
Thứ ba, tiền thuật toán là một sản phẩm từ blockchain, nó không chịu sự quản lý và không một quốc gia hay một ngân hàng nào có thể kiểm soát. Mọi giao dịch đều ẩn danh và có tính an ninh, bảo mật cao. Chính vì thế, nhiều người lo ngại bitcoin và các loại tiền thuật toán khác có thể là công cụ rửa tiền của tội phạm.
Thứ tư, pháp luật không công nhận. Hiện nay pháp luật không thừa nhận nó là phương tiện thanh toán, nhưng việc giao dịch, mua bán nó với tư cách là một tài sản hiện nay vẫn đang diễn ra trên lãnh thổ nước ta. Như vậy, Việt Nam không cấm việc mua bán trên các sàn giao dịch quốc tế và sở hữu tiền thuật toán của mỗi cá nhân, tổ chức.
Động thái này được giới chuyên môn đánh giá là bước đi thận trọng đối với một thị trường mở và tiềm ẩn nhiều rủi ro như Bitcoin nói riêng và tiền thuật toán nói chung. Đây cũng là biện pháp được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng, tức là cấm, không công nhận Bitcoin, nhưng cũng không trực tiếp đứng ra quản lý.
Mới đây, NHNN Việt Nam cũng đã nhất trí với Bộ Tài chính trong việc tạm dừng nhập khẩu máy xử lý dữ liệu tự động, nhằm mục đích đào tiền ảo. Theo Tổng Cục Hải quan, đến đầu tháng 4, cả nước có khoảng 15.600 máy đào tiền ảo, gồm máy xử lý dữ liệu Bitcoin, dữ liệu Bitmain, máy xử lý thuật toán, thiết bị xử lý dữ liệu thuật toán, máy xử lý dữ liệu tự động và máy xử lý dữ liệu tự động dùng cho hệ thống quản lý điều khiển từ xa, nội bộ được nhập vào nước.
Tiềm năng ứng dụng công nghệ blockchain trong hoạt động kinh tế- xã hội rất to lớn. Nhưng làm thế nào để tận dụng được những ưu điểm của tiền ảo, tiền điện tử và hạn chế những hệ luỵ đi kèm đòi hỏi một khung pháp lý phù hợp trên phương diện pháp luật và quản lý kinh tế.
Trên thế giới đã có 15-20 nước bắt đầu công nhận bitcoin, nhưng cũng có một lượng tương tự chưa chấp thuận bitcoin và quản lý rất chặt chẽ với đồng tiền này. Lựa chọn của Việt Nam và nhà đầu tư sẽ cần thời gian để quyết định.
Theo các chuyên gia tài chính, việc đầu tư vào các đồng tiền thuật toán không nên theo phong trào nhất là khi hiện nó đang là xu thế, trào lưu và hấp dẫn được sự quan tâm của đông đảo nhà đầu tư.
Có thể khẳng định, tiềm năng ứng dụng công nghệ blockchain trong hoạt động kinh tế xã hội rất to lớn. Nhưng làm thế nào để tận dụng được những ưu điểm của tiền ảo, tiền điện tử và hạn chế những hệ luỵ đi kèm đòi hỏi một bộ quy tắc ứng xử đúng đắn trên phương diện pháp luật và quản lý kinh tế. Trong các quy tắc đó, các nhà lập pháp cần thể hiện trách nhiệm hướng dẫn, bảo vệ và quản lý của mình.