Tín dụng: Chậm nhưng chất
Theo NHNN, 6 tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng (TTTD) đạt 7,88%, là mức tăng thấp nhất trong 3 năm gần đây (6 tháng đầu năm 2016 tín dụng tăng 8,21%; 6 tháng 2017 tăng 9,06%).
Tuy nhiên, theo các chuyên gia ngân hàng, mức tăng này là hoàn toàn hợp lý khi mà mục tiêu TTTD cả năm 2018 chỉ là 17%, thấp hơn so với mức tăng thực tế 18,2% của năm 2017. Xét trong bối cảnh áp lực lạm phát năm nay cao hơn nhiều so với năm trước, mức TTTD trên cũng phần nào cho thấy sự thận trọng của NHNN.
Hơn nữa, do tín dụng được tập trung chủ yếu vào sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên, trong khi dòng tín dụng chảy vào các lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán được kiểm soát chặt chẽ, nên dù tốc độ TTTD có thấp hơn, nhưng dòng vốn chảy vào nền kinh tế thực không hề giảm và qua đó vẫn hỗ trợ tích cực để nền kinh tế đạt được tốc độ tăng trưởng 6 tháng nhanh nhất trong 6 năm trở lại đây.
Quả vậy, thời gian gần đây các TCTD tỏ ra cẩn trọng hơn, đặc biệt siết chặt hơn trong cho vay vào các lĩnh vực rủi ro như bất động sản và giao thông. Số liệu thống kê cho thấy, quý I/2018, tín dụng chảy vào bất động sản chỉ tăng 3,65% trong khi cùng kỳ năm 2017 tăng tới 7,34%.
Đặc biệt, trong 3 tháng trở lại đây, lãi suất kỳ hạn dài cho vay mua, xây, sửa nhà tại các NHTMCP đã lên đến 12,5%/năm, tăng khoảng 2%/năm so với trước đây. Đồng thời, nhiều ngân hàng có động thái thẩm định lại giá và chỉ xét cho vay không quá 70% giá trị.
Cũng chính bởi chất lượng, hiệu quả tín dụng đã được nâng lên, không nhất thiết phải đặt mục tiêu TTTD cao để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nữa nên NHNN đặt trọng tâm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả tín dụng để tránh tạo áp lực đến lạm phát chu kỳ sau, đồng thời ngăn ngừa rủi ro.
Theo đó, mới đây NHNN có công văn số 5321/NHNN-TTGSNH gửi các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) nhắc nhở về thực hiện các quy định triển khai có hiệu quả các giải pháp về lãi suất, tín dụng tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN.
Đáng chú ý, tại văn bản này, NHNN yêu cầu các TCTD kiểm soát tốc độ TTTD phù hợp với khả năng huy động vốn và chỉ tiêu TTTD đã được NHNN thông báo, đảm bảo TTTD an toàn, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng của DN và người dân, đặc biệt là đối với DN được đánh giá là có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh.
Lãnh đạo Vụ Tín dụng NHNN khẳng định, NHNN đưa ra văn bản trên để chấn chỉnh về thực hiện nghiêm chỉnh lãi suất, TTTD của các TCTD triển khai theo kế hoạch đặt ra từ đầu năm. Đặc biệt phải kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, nhất là đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.
Sẽ kiểm soát chặt TTTD
“Tình hình kinh tế vĩ mô ổn định và GDP tăng trưởng tích cực tạo nền tảng cho sự phát triển của thị trường bất động sản. Theo đó phần nào tác động lên tăng trưởng đối với dư nợ tín dụng nhà, đất. Diễn biến này cần thiết phải có biện pháp kiểm soát để hạn chế rủi ro nợ xấu”, một lãnh đạo vụ cục NHNN lưu ý và cho biết thêm.
Đây cũng là lý do khiến ngay từ đầu năm Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng có văn bản trực tiếp chỉ đạo các TCTD kiểm soát chặt chẽ các khoản cho vay tín dụng bất động sản và tập trung vào phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp, tránh dồn tín dụng và kiểm soát tín dụng vào những lĩnh vực tăng trưởng nóng.
Một thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia đồng tình quan điểm thận trọng trên. Theo vị này, NHNN không thừa khi nhắc nhở các ngân hàng không được để dòng vốn chảy vào lĩnh vực nhạy cảm. Nhất là trong bối cảnh sức ép lạm phát lớn hơn, áp lực cung tiền gia tăng nên việc đưa tiền ra phải được lựa chọn kỹ càng, không thể bung mạnh ra như trước được.
Các ngân hàng cũng thấm nhuần quan điểm của cơ quan quản lý. Tuy nhiên thu từ tín dụng vẫn chiếm tới 70- 80% trong cơ cấu doanh thu của các ngân hàng, nên việc hạn chế tín dụng cũng sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu của các ngân hàng trong những tháng tới, nhất là những ngân hàng đã sài gần hết room tín dụng của năm nay.
“Trong khi đầu vào khá dồi dào, đầu ra lại khá nhỏ giọt khiến cho ban lãnh đạo ngân hàng rất sốt ruột như ngồi trên đống lửa”, CEO của một ngân hàng giãi bày. Điều mong mỏi của ngân hàng này đó là được NHNN “nới” room tín dụng thêm trong thời gian tới.
“Có thể trước mắt tác động đó chưa rõ, khi lợi nhuận 6 tháng của các NH vẫn khá tích cực. Nhưng về lâu dài chắc chắn sẽ ảnh hưởng”, vị này lo lắng và bày tỏ mong muốn điều hành tín dụng nên hướng chú trọng vào việc tuân thủ các quy chuẩn về chỉ số an toàn tài chính mà không nhất thiết phải theo room tín dụng. Như vậy, các ngân hàng sẽ dễ hoạch định kế hoạch chiến lược hơn cũng như thấy có sự công bằng hơn.
Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên, lãnh đạo vụ chức năng cho biết, NHNN căn cứ vào tình hình sức khỏe của từng ngân hàng để giao chỉ tiêu TTTD. NHNN chặt tay hơn đối vấn đề TTTD là muốn các ngân hàng phải hướng tín dụng vào cả 5 lĩnh vực ưu tiên chứ không tập trung dư nợ quá lớn vào một lĩnh vực nhất là cho vay xoay quanh bất động sản, BT, BOT…
Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế trong nước đang chịu tác động khá mạnh từ những biến động của thị trường thế giới theo đà tăng lãi suất của FED cũng như chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, đặc biệt lạm phát trong nước có nguy cơ tăng cao, ưu tiên hàng đầu của Chính phủ hiện nay vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô. Giới chuyên gia dự đoán nhiều khả năng chính sách tiền tệ sẽ được điều hành theo hướng thận trọng hơn.
Với mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, rất có thể NHNN sẽ kiểm soát chặt chẽ chỉ tiêu TTTD. Hầu hết các chuyên gia đều nhất trí rằng TTTD có thể sẽ nhanh hơn trong 6 tháng tới nhưng về cơ bản, mức tăng trưởng của tín dụng cho cả năm 2018 sẽ thấp hơn 1-2% so với năm 2017, đồng thời, lãi suất cũng sẽ duy trì ở mức tương đương như hiện nay.