Asam Việt Nam, Công ty Quản lý quỹ chuyên quản lý vốn cho các nhà đầu tư Hàn Quốc, đã rót 200 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG.
Tháng 9, TNG dự kiến đạt doanh thu 291 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 12 tỷ đồng, tăng so với kế hoạch đặt ra lần lượt là 13% và 33%. Còn cả năm, TNG ước tính đạt 3.450 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế đạt 157,5 tỷ đồng, tăng lần lượt 39% và 37% so với thực hiện năm 2017.
TNG đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế tăng 10%/năm trong giai đoạn 2018-2020. Song theo ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch TNG, đây là kế hoạch thận trọng nhất, đảm bảo khả năng chắc chắn hoàn thành của Công ty trong mọi trường hợp, còn thực tế có thể diễn ra khả quan hơn. Ông nói” chưa có năm nào hoạt động của TNG tốt như năm nay, đơn hàng rất nhiều. Quý 4 năm nay tốt hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái”.
Số tiền huy động từ Asam theo kế hoạch sẽ về tài khoản của TNG ngay đầu tháng 10, giúp cải thiện các chỉ số tài chính, dòng tiền của Công ty mạnh mẽ hơn và thuận lợi trong việc tài trợ các dự án mới cũng như đầu tư công nghệ, máy móc nhằm gia tăng năng suất lao động, cải thiện hiệu quả hoạt động.
Trên thực tế, TNG vẫn đang trong quá trình mở rộng quy mô sản xuất. Với lượng đơn đặt hàng mới khả quan từ các khách hàng chuyển từ Trung Quốc sang, có thể giúp Công ty bước vào thời kỳ “chọn lựa khách hàng”. Việc này sẽ cải thiện biên lợi nhuận gộp cũng như biên lơi nhuận ròng do thay thế cho đơn hàng gia công thông thường.
Đơn cử như hiện nay, Decathlon, 1 trong 20 nhà phân phối hàng đầu thế giới là khách hàng lớn nhất của Công ty. Ngoài TNG ở miền Bắc, chỉ có 1 doanh nghiệp ở phía Nam là May Đồng Tiến đáp ứng được các yêu cầu của tập đoàn này. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, làm việc với Decathlon, doanh nghiệp có khả năng minh bạch tuyệt đối bởi họ kiểm soát rất chặt chẽ chi phí và định mức giá thành.
Ông Thời cho biết, TNG được quản trị theo hệ thống ERP nên kiểm soát được tỷ lệ chi phí trong giá thành. Công ty đặt mục tiêu kiểm soát tốt chi phí để lợi nhuận trên doanh thu cải thiện, cao hơn 5% vào năm 2019 (thêm hơn 1% so với hiện nay).
Bên cạnh chuyển dịch khách hàng, TNG có định hướng khẳng định vị thế tại hệ thống chuỗi cửa hàng TNG Fashion Store. Việc giới thiệu và bán các sản phẩm thương hiệu TNG sẽ giúp công ty có dòng tiền ổn định, cân đối trong dài hạn.
So với 2 ông lớn dệt may khác đang niêm yết trên HOSE, giá cổ phiếu của TNG hiện thấp hơn …% so với TCM, thấp hơn …% so với GMC (tính theo giá đóng cửa phiên 4/10). Tuy nhiên thanh khoản của TNG lại cao hơn rất nhiều 2 cổ phiếu trên, khối lượng giao dịch bình quân 10 phiên của TNG cao hơn TCM khoảng 13%, và hơn GMC tới 85%.
Lợi nhuận gộp của TNG hiện vào khoảng 17%, thấp hơn TCM 1% và cao hơn GMC 1%. Ông Nguyễn Văn Thời cho biết, năm 2019, TNG sẽ phấn đấu tăng lợi nhuận gộp lên trên 18%.
Năm 2017, thu nhập trên mỗi cổ phần của TNG đạt 2.700 đồng, năm 2018 dự kiến đạt xấp xỉ 3.000 đồng. Với giá thị trường của TNG quanh mức 17.000 đồng/cổ phần và EPS dự kiến 3.000 đồng, PE forward nhỏ hơn 6, chỉ bằng 1/3 so với mặt bằng PE trung bình của cả thị trường.
Công ty chứng khoán MBS trong báo cáo phân tích của mình nhìn nhận, TNG hội đủ các yếu tố hấp dẫn để đầu tư. Việc tập trung cho hoạt động mở rộng quy mô sản xuất sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng của Công ty.