Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) mới đây đã có văn bản gửi Bộ Công Thương để xin lùi việc thoái vốn tại Tổng công ty Khí Việt Nam – PV Gas (mã: GAS). Tập đoàn sẽ cân nhắc lựa chọn thời điểm thoái vốn để đảm bảo hiệu quả tối ưu và có thể kéo dài sau năm 2020.
Trước đó, theo danh mục doanh nghiệp được phê duyệt, PVN sẽ giảm tỷ lệ nắm giữ 30% tại PV Gas xuống 65% vốn điều lệ, từ mức 95,76% hiện nay trong giai đoạn 2018 – 2019.
Chưa phải thời điểm “vàng”
PV Gas là một trong những doanh nghiệp đầu ngành dầu khí với quy mô hoạt động và kết quả kinh doanh nhóm đầu thị trường niêm yết hiện nay. Tổng công ty này cũng là thành viên quan trọng đóng góp hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận về tập đoàn mẹ hàng năm.
Bên cạnh vị thế trong ngành, GAS còn là doanh nghiệp có quy mô lớn nhất trong số các doanh nghiệp dầu khí niêm yết, vốn hóa tính đến hiện tại đạt 195.605 tỷ đồng. Nhiều ý kiến cho rằng, PV Gas hiện đang là “con gà đẻ trứng vàng” nên PVN chưa muốn buông.
Trong giai đoạn giá dầu đi xuống (2015- 2017), dù lợi nhuận sụt giảm nhưng GAS luôn duy trì mức cổ tức tiền mặt khoảng 40% vốn điều lệ, tương đương số tiền chi ra trên 7.500 tỷ đồng.
Ngày 27/8 vừa qua là ngày giao dịch không hưởng quyền để PV Gas chốt danh sách cổ đông chi tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2018 bằng tiền mặt tỷ lệ 20%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận về 2.000 đồng.
Với hơn 1,9 tỷ cổ phiếu GAS đang lưu hành, dự kiến PV Gas sẽ phải chi khoảng 3.828 tỷ đồng chi trả cổ tức lần này cho cổ đông. Với 95,76% vốn nắm giữ, PVN cũng sẽ thu về khoản tiền mặt khoảng 3.665 tỷ đồng đợt này.
Năm 2017, PV Gas đóng góp cho PVN khoảng 13% doanh thu và 44% lợi nhuận, hỗ trợ cho PVN hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm.
Tuy nhiên, theo Luật dầu khí hiện nay, các nguồn khí thiên nhiên khai thác ở Việt Nam đều phải có sự hợp tác của PVN, với sở hữu như hiện tại, gần như toàn bộ lợi nhuận của GAS thuộc về PVN. Do đó, khi giảm sở hữu nhà nước, phần lợi nhuận của PVN sẽ giảm xuống tương ứng.
Trong một diễn biến tương tự, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng có văn bản xin hoãn thoái vốn sang giai đoạn 2020 thay vì triển khai trong năm 2018 như lộ trình đã được phê duyệt.
Lý giải cho nguyên nhân muốn kéo dài thời gian thoái vốn, Petrolimex cho rằng thực tế thị trường cho thấy, từ đầu năm 2018 đến nay, các thương vụ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty đa phần đều diễn ra không thuận lợi và không thành công.
Đây cũng có thể là lo ngại của PVN khiến việc giảm tỷ lệ sở hữu tại PV Gas bị kéo dài. Tuy nhiên, bên cạnh những thương vụ không thành công, thị trường vẫn có những thương vụ “ngoài mong đợi” như BSR, PV Oil, PV Power…
58.700 tỷ đồng là số thu lớn
Theo dự kiến, tỷ lệ thoái vốn nhà nước tại PV Gas là 30% vốn điều lệ, tương đương 587 triệu cổ phiếu, xét tại mức giá hơn 100.000 đồng/cp như hiện tại, giá trị thương vụ có thể đạt 58.700 tỷ đồng.
Sau thoái vốn, PVN vẫn sở hữu PV Gas ở tỷ lệ chi phối nhưng con số 30% cũng rất có ý nghĩa đối với các nhà đầu tư chiến lược.
Trước đó, ban lãnh đạo Tổng công ty cũng kỳ vọng sẽ tìm kiếm cơ hội được hợp tác sâu rộng hơn với các cổ đông, đặc biệt nhà đầu tư chiến lược khi mà PVN thoái vốn.
Đây là giải pháp chiến lược dài hạn, không chỉ đem về nguồn vốn cần thiết mà qua đó GAS còn có thể tiếp cận các công nghệ hiện đại, kỹ năng quản lý tiên tiến từ các cổ đông chiến lược, cũng như trao đổi học hỏi kinh nghiệm từ các đối tác hàng đầu trên thế giới.
GAS cũng có chiến lược đầu tư ra nước ngoài trong tương lai, với việc ký kết với Tập đoàn Alaska Gasline Development Corporation (AGDC), GAS sẽ xem xét đánh giá các cơ hội tham gia đầu tư phát triển tại các mỏ khí tại Bang Alaska – Mỹ.
Thực tế, kế hoạch giảm sở hữu tại GAS đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo PVN bán bớt 20% cổ phần từ năm 2013 nhằm tăng thu ngân sách, thanh khoản, và tính hấp dẫn của cổ phiếu.
Tuy nhiên, “cú sốc” giá dầu năm 2014 đã khiến lộ trình giảm vốn của PVN không được thực hiện.
Hơn nữa, số tiền phải chi ra để có thể sở hữu 30% vốn của PV Gas không hề nhỏ để có thể khiến nhà đầu tư dễ dàng quyết định, trong khi Nhà nước vẫn tiếp tục nắm quyền chi phối tại “ông lớn” ngành khí này.
Ngoài ra, việc giảm tỷ lệ sở hữu liệu có đồng nghĩa với việc giảm cơ chế ưu đãi cũng là một câu hỏi khiến các nhà đầu tư phải “lăn tăn”.
Được mệnh danh là “vua tiền mặt” nhưng đây lại chính là điểm thiếu hấp dẫn của PV Gas dù nguồn tiền lớn cùng dòng tiền hoạt động kinh doanh dồi dào giúp GAS sở hữu cơ cấu tài chính mạnh.
Tuy nhiên, việc các tài sản là tiền chiếm 43,35% tổng tài sản, trong khi lãi suất chỉ 5-7% như hiện nay cũng là gánh nặng khiến hiệu suất sinh lời của tài sản và nguồn vốn ảnh hưởng đáng kể.
Trước đó, CTCK HSC cũng đưa ra nhận định về thời gian thoái vốn của PVN nhiều khả năng sẽ muộn, do có thể PVN cũng mong muốn từng bước thoái vốn để ghi nhận doanh thu trong hai năm hơn là tập trung toàn bộ trong năm 2018.