Với những lực hút này, hàng loạt nhà đầu tư nước ngoài lớn, nhỏ, nhiều năm kinh nghiệm hoặc mới lần đầu tiên đã và đang “ồ ạt” tiến vào thị trường bán lẻ Việt Nam
Không chỉ “hút” nhà đầu tư “sành sỏi”
Mới đây nhất, thông tin về việc Central Group của tỉ phú Thái sẽ tiếp tục đầu tư 500 triệu USD vào thị trường Việt Nam trong thời gian tới tại buổi họp báo mới đây tại Thái Lan rất đáng lưu tâm.
Trong thời gian 3 năm qua, tập đoàn của tỷ phú người Thái đã chi 5,5 tỉ USD thực hiện các thương vụ mua bán sáp nhập tại Việt Nam, chủ yếu trong lĩnh vực bán lẻ.
“Kế hoạch trong 5 năm tới, chúng tôi sẽ đầu tư tiếp 500 triệu USD vào thị trường Việt Nam, mở khoảng 200 cửa hàng bán lẻ và ưu tiên vẫn là các lĩnh vực thương mại mà chúng tôi đã và đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam”, ông Philippe Broianigo chia sẻ.
Được biết, vài năm trở lại đây, người Thái bắt đầu “sợ” mua hàng Trung Quốc và quay ra thích hàng Việt Nam. Bên cạnh các sản phẩm hoa quả thì nhiều loại thực phẩm tươi sống của Việt Nam cũng đang được bán khá nhiều tại hệ thống siêu thị tại Thái với gia cao gấp 2, thậm chí có sản phẩm cao hơn nhiều tại Việt Nam.
Mặc dù, chưa có nhiều kinh nghiệm như nhà đầu tư Thái Lan “sành sỏi” khi vào thị trường trường bán lẻ Việt Nam, song G25 đã khai trương cửa hàng đầu tiên tại quận 1 Tp. Hồ Chí Minh sau khi thành lập liên doanh với Sonkimland để trở thành thương hiệu Hàn Quốc đầu tiên dấn thân vào “cuộc chiến” cửa hàng tiện lợi khốc liệt tại Việt Nam. Được biết, hãng này tham vọng sẽ mở tới 2.500 của hàng trong thời gian tới.
Bên cạnh doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp nội như Tập đoàn Vingroup cũng lần lượt thâu tóm chuỗi siêu thị Ocean Mart, Vinatexmart, Maximark.
Bên cạnh việc thực hiện đầu tư trực tiếp các nhà đầu tư nước ngoài cũng lựa chọn cách thâm nhập thị trường bằng cách tìm kiếm, hợp tác với các doanh nghiệp bán lẻ trong nước để phát triển các điểm bán tại Việt Nam, như Tập đoàn Mapletree và Tập đoàn NTUC FairPrice (Singapore) bắt tay với Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op)…
Những lực hút chính
Quay trở lại những điểm “hấp dẫn” của thị trường Việt Nam – yếu tố quyết định đến việc “rộng tay rón vốn” của các nhà đầu tư. Theo đó, bên cạnh yếu tố về dân số đông, với gần 100 triệu người mà trong đó người trẻ chiếm tỷ lệ cao chính là lợi thế đầu tiên để ngành bán lẻ thuận lợi phát triển.
Ngoài ra, kết quả sự tăng trưởng nhanh của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Việt Nam trong những năm qua cho thấy, tiêu dùng trong nước luôn là một động lực quan trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế quốc gia. Mặt khác, tốc độ tăng tiêu dùng cao chính là yếu tố quan trọng đánh giá thị trường bán lẻ Việt Nam đầy tiềm năng.
Nhận định rõ hơn về tiềm năng của thị trường bán lẻ Việt Nam hiện nay, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết: “Cả nước hiện mới có khoảng 1.000 cửa hàng tiện lợi, vài trăm siêu thị và trung tâm thương mại… còn quá ít nếu so sánh với tỷ lệ hơn 90 triệu dân”.
“Mặt khác, các doanh nghiệp bán lẻ Việt có năng lực như Saigon Coop, VinGroup… chưa nhiều nên đây là phân khúc thị trường màu mỡ cho các nhà bán lẻ nước ngoài đến đầu tư. Bởi họ có thế mạnh về vốn, công nghệ kinh doanh, quản trị doanh nghiệp và chuỗi thu mua phân phối toàn cầu.
Không những thế, nguồn hàng tại chỗ củaViệt Nam rất dồi dào, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, thực phẩm, là điều kiện tốt để phát triển các hình thức bán lẻ hiện đại.
Tuy nhiên, có một điều đáng lưu ý, trong cuộc chiến “khốc liệt” lĩnh vực bán lẻ này, doanh nghiệp ngoại vẫn đang chiếm thế cao hơn, vì vậy xuất hiện những nỗi lo về việc nhà đầu tư ngoại “nuốt chửng”doanh nghiệp nội sau khi hợp tác và đầu tư. Để nâng cao vị thế của doanh nghiệp nội, theo các nhà phân tích không còn con đường nào khác là đầu tư cho ngành bán lẻ trong nước mạnh lên thông qua những quy định phù hợp, nhất là tạo cho doanh nghiệp Việt cơ hội tiếp cận nguồn vốn và mặt bằng kinh doanh cũng như tạo lập sự minh bạch, bình đẳng về môi trường kinh doanh.