Nhiều nhà băng lựa chọn
Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) vừa có văn bản về việc lấy ý kiến cổ đông phê duyệt phương án phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2. Tổng giá trị phát hành tối đa là 200 triệu USD hoặc tương đương 4.500 tỷ đồng. Thị trường phát hành trong nước hoặc nước ngoài với thời gian từ 5 – 10 năm.
VietinBank ngày 29/6 cũng đã phân phối 2.435 tỷ đồng trong số 4.000 tỷ đồng trái phiếu đăng ký chào bán với kỳ hạn 10 năm, mệnh giá 10 triệu đồng. Đồng thời, Ngân hàng cũng phát hành riêng lẻ trái phiếu kỳ hạn 2 năm với giá trị lên tới 5.000 tỷ đồng. Cộng với 2 đợt phát hành trái phiếu để tăng vốn cấp 2 với giá trị 980 tỷ đồng hôm 13/6 và 21/6, ngân hàng này đã huy động được hơn 8.400 tỷ đồng từ kênh trái phiếu chỉ riêng trong tháng 6 vừa rồi.
HDBank cũng là nhà băng đã huy động lượng vốn khủng qua kênh trái phiếu từ đầu năm đến nay. Ngân hàng này đã phát hành thành công 6.000 tỷ đồng trái phiếu theo hình thức phát hành riêng lẻ, kỳ hạn trái phiếu 2 năm và 3 năm.
Trong khi đó, báo cáo tình hình kinh tế – tài chính của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia ngày 29/6 cho thấy, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2018 chậm hơn so với cùng kỳ năm 2017. Đến cuối tháng 6/2018, tín dụng tăng khoảng 6,5% so với cuối năm 2017 (cùng kỳ 2017 tăng 8,7%). Thống kê mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng cho thấy, hiện nay mặt bằng lãi suất huy động VND phổ biến ở mức từ 0,6 đến 1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới một tháng; 4,3 đến 5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ một tháng đến dưới 6 tháng; 5,3 đến 6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn hơn 12 tháng ở mức từ 6,5 đến 7,3%/năm. Mặt bằng lãi suất cho vay VND hiện phổ biến ở mức từ 6 – 9%/năm đối với ngắn hạn; từ 9 – 11%/năm đối với trung và dài hạn.
Thời gian qua, trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất cũng liên tục có xu hướng giảm, một số NHTM đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động. Vậy nguyên nhân nào khiến các nhà băng phát hành trái phiếu trong bối cảnh lãi suất huy động giảm?
Phát hành trái phiếu là cần thiết
Theo đại diện VIB, việc phát hành trái phiếu để tăng vốn cấp 2 là cần thiết trong bối cảnh từ ngày 1/1/2019, hệ số CAR của VIB sẽ được tính theo chuẩn Basel II, đòi hỏi mức vốn cao hơn để duy trì hệ số này. Đồng thời, việc tăng trưởng tài sản theo kế hoạch kinh doanh của ngân hàng cũng đòi hỏi việc tăng vốn để đảm bảo hệ số CAR của VIB luôn ở mức phù hợp theo quy định tại mọi thời điểm. Đến ngày 30/4/2018, hệ số CAR của VIB là 12,25%.
Cũng theo VIB, việc tăng vốn vừa đảm bảo quy định của pháp luật về số dư nợ thứ cấp của ngân hàng được tính tối đa 50% tổng vốn cấp 1, vừa đáp ứng được nhu cầu của ngân hàng và đạt chi phí tối ưu trên mỗi đồng vốn huy động. Việc tăng vốn còn được kỳ vọng tăng hệ số ROE cho ngân hàng và cổ đông.
Một số chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng cũng cho rằng, việc phát hành trái phiếu là một biện pháp khá hiệu quả để các ngân hàng tăng được vốn cấp 2 và vốn tự có nhằm đáp ứng các quy định theo chuẩn Basel II.
Với phương thức này, các ngân hàng chẳng những nhanh chóng bổ sung nguồn vốn cấp 2, mà còn kéo tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn xuống 45% theo đúng quy định khi mà kỳ hạn trái phiếu thường khá dài. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng có thể rộng tay sử dụng nguồn trái phiếu để lấp đầy vào những khoản đã cho vay trung, dài hạn để đảm bảo đầy đủ tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định.
Theo thống kê của NHNN, tính đến đầu năm 2018, các NHTM có vốn nhà nước chi phối có tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn Basel II ở mức 8%. Nếu không tăng vốn điều lệ, những ngân hàng như Vietcombank, BIDV sẽ không thể tăng trưởng tín dụng thêm trong thời gian tới. Khối ngân hàng có vốn nhà nước chi phối cũng không thể thuyết phục cổ đông nhà nước cho giữ lại một phần lợi nhuận để tăng vốn do áp lực ngân sách mặc dù có kết quả kinh doanh tốt.
Nhiều NHTMCP cũng cùng chung số phận khi thời gian gần đây đã cạn hạn mức tăng trưởng tín dụng cả năm mà NHNN phân bổ. Chẳng hạn, OCB trong 6 tháng đầu năm tín dụng đã tăng trưởng 15% so với năm trước, hiện ngân hàng này đã đệ đơn lên nhà điều hành xin nới hạn mức tăng trưởng tín dụng trong năm 2018. Một số ngân hàng khác cũng đang chờ nới hạn mức tăng trưởng tín dụng nhưng các chỉ số an toàn vốn tối thiểu lại rất thấp.
Biện pháp khắc phục hiệu quả nhất cho tình hình hiện nay là phát hành trái phiếu để lấp đầy những lỗ hổng về các tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, mới có thể thỏa mãn nhu cầu nới hạn mức tăng trưởng tín dụng và các chỉ tiêu hoạt động.