Mới đây, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex – mã: PLX) đã đề xuất lùi thời điểm thực hiện việc thoái vốn, giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước tại tổng công ty này sang giai đoạn 2019 – 2020.
Dẫn chứng cho sự “ế” cổ phần đầu tiên phải kể đến con số 0 tròn trĩnh trong thương vụ Bộ Xây dựng thoái 80 triệu cổ phần tại Tổng CTCP Viglacera (mã: VGC), nhằm giảm vốn nhà nước từ 53,97% xuống còn 36% của bộ này bất thành.
Hay trường hợp của Tập đoàn Cao su Việt Nam chỉ bán được 1/5 số cổ phần chào bán, thương vụ IPO của Tổng công ty Phát điện 3 chỉ bán chưa được 3%. Đợt thoái vốn của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) tại Ngân hàng TMCP Hàng hải cũng thất bại khi không có nhà đầu tư đăng ký mua.
Lo “ế” cổ phần
Phiên đấu giá cổ phần của VTVCab thì phải hủy bỏ do đến hết thời hạn đăng ký và đặt cọc mới chỉ có một nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu giá; ngay cả cổ phần của “ông lớn” Vietnam Airlines cũng “ế nặng” trong đợt chào bán quyền mua cổ phần của Bộ GTVT…
Bối cảnh không mấy thuận lợi cũng khiến Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) phải hoãn lại nhiều thương vụ bán vốn trong năm 2018 như công ty nhựa Thiếu niên Tiền Phong, công ty Dược Domesco…
Đây cũng chính là những dẫn chứng của Petrolimex dẫn trong công văn gửi Bộ Công Thương nhằm xin lùi thời điểm thực hiện việc thoái vốn, giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước tại tập đoàn này sang giai đoạn 2019 – 2020, thay vì triển khai trong năm 2018.
Theo Petrolimex, doanh nghiệp này e ngại sẽ cùng chung “số phận” với những “người anh em” đi trước, hiện tại, việc bán vốn nhà nước đã không còn dễ dàng như các năm trước đây.
Mới đây, một doanh nghiệp tư nhân là CTCP Đầu tư Nam Long (mã: NLG) cũng đã thông qua việc hoãn thực hiện kế hoạch đấu giá 40 triệu cổ phần, tương đương 21,2% số cổ phần đang lưu hành trong quý III/2018, có thể lùi sang năm 2019.
Lý do mà doanh nghiệp này đưa ra cũng là “thị trường không có lực hỗ trợ tốt”, nhiều đợt đấu giá khác trên thị trường đều bị hoãn lại, “nên Nam Long cũng cân nhắc để lùi thời gian đấu giá”.
Thực tế, sau những “kỷ lục” thoái vốn nhà nước tại Sabeco, Vinamilk, Nhựa Bình Minh hay những thương vụ “khủng” tại khối doanh nghiệp tư nhân như VPBank, Techcombank… giá trị đầu tư của khối ngoại đã liên tục lao dốc cho đến nay.
Nhiều chuyên gia cũng nhận định, thời điểm hiện tại, việc thoái vốn, đấu giá cổ phần là hết sức khó khăn, do thị trường chứng khoán là “mua đứt bán đoạn”, nhiều nhà đầu tư đã không có lãi sau khi mua cổ phần, thậm chí còn lỗ lớn.
Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa của việc hoãn, lùi thoái vốn thực chất là từ thị trường “ảm đạm” hay từ một nguyên nhân nào khác?
Nguyên nhân sâu xa
Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), thị trường có lý lẽ riêng, dựa vào chất lượng hàng hóa, dung lượng thị trường, khẩu vị nhà đầu tư. Vấn đề quan trọng vẫn là cái “lõi” của doanh nghiệp đã thực chất với mức giá kỳ vọng của những nhà sở hữu cổ phần.
Đối với trường hợp của VGC, nguyên nhân được đưa ra để lý giải cho thất bại là do mức giá khởi điểm 26.100 đồng/cp mà Bộ Xây dựng chào hàng đã không được thị trường chấp nhận.
Tại thời điểm đó, thị giá cổ phiếu VGC chỉ giao dịch quanh mức từ 17.000 đồng đến 24.000 đồng/cổ phiếu, trong đó có những phiên giá xuống thấp hơn, chỉ 16.200 đồng/cổ phiếu.
Thực chất của sự thất bại là vấn đề từ những “người bán” chứ không đến từ thị trường, hay những “người mua”.
Về phía Petrolimex, dù xin hoãn thoái vốn nhưng Petrolimex lại đề xuất được nới room ngoại lên 49%, từ mức 20% vốn điều lệ như hiện tại.
Petrolimex chỉ dẫn chứng những trường hợp thất bại mà lại lờ đi những thương vụ thoái vốn, IPO rất thành công như : BSR, PVOil, PVPower… khiến nhiều nhà đầu tư nghi ngại về “nội tại” của doanh nghiệp này.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Petrolimex thoái vốn đầu tư ngoài ngành với tổng số tiền hơn 622 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau 3 năm thực hiện, con số thực hiện được vẫn chỉ ở mức khiêm tốn hơn 139,7 triệu đồng.
Hơn nữa, tại kết luận của Thanh tra Chính phủ được công bố năm 2016, Petrolimex có nhiều khoản đầu tư tài chính ngoài ngành nghề kinh doanh với tổng số tiền là 2.255,6 tỷ đồng, trong đó nhiều khoản đầu tư với giá trị lớn không đúng quy định.
Đáng chú ý nhất là khoản đầu tư 1.200 tỷ đồng, chiếm 40% vốn điều lệ tại Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank). Đây là khoản đầu tư mà Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Petrolimex phải thực hiện thoái vốn, tuy nhiên, đến nay tỷ lệ sở hữu vẫn được Petrolimex giữ nguyên tại ngân hàng.
Vì sao Petrolimex mãi loay hoay trong việc thoái vốn tại PGBank? Petrolimex là doanh nghiệp đầu ngành, thị phần lớn nhất với mạng lưới phân phối rộng khắp toàn quốc, tiềm năng doanh nghiệp là rất lớn, lý do gì lại lo “ế” cổ phần. “Uẩn khúc” khoản đầu tư tại PGBank có phải là nguyên nhân chính khiến Petrolimex lùi thời gian thoái vốn?
Tuy nhiên, nhìn từ thực tế Vinamilk hay Sabeco lại có thể đem tới kết luận khác. Đó là tại những doanh nghiệp có thị trường lớn, truyền thống, khi tỷ lệ cổ phần chào bán cho phép người sở hữu thực sự nắm được quyền lực tại doanh nghiệp, nhà đầu tư sẵn sàng xuống tiền, bất kể giá nào.
Tỷ lệ áp đảo tại doanh nghiệp có nhiều lợi thế cũng chính là công thức chung trong các vụ thôn tính công ty cổ phần của doanh nghiệp nhà nước từ trước tới nay. Do đó, cũng có thể nói, lượng cổ phần chào bán bị chia nhỏ tại các doanh nghiệp nhà nước chính là một nguyên nhân khiến các nhà đầu tư không mặn mà với việc mua.
Nên nhớ, với cổ phiếu đầu tư (không phải đầu cơ), thị trường xuống chính là lúc nên mua vào nhiều nhất. Vì đó là cơ hội rõ ràng nhất để sở hữu tỷ lệ cổ phần tại doanh nghiệp với giá rẻ nhất có thể.