Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) vừa thông báo đã chuyển quyền sở hữu tổng cộng 610.290 cổ phiếu MWG giữa các quỹ đầu tư nước ngoài.
Cụ thể, DC Developing Markets Strategies thuộc Dragon Capital đã chuyển nhượng 300.000 cổ phiếu MWG cho SR Global Fund L.P-Frontier Fortfolio vào ngày 3/8.
Trước đó vào 5/6, SR Global Fund cũng nhận chuyển nhượng qua VSD 500.000 cổ phiếu MWG từ Dempsey Hill Asia Fund.
Cùng ngày 3/8, KT Zmico Securities Company Limited đã nhận quyền sở hữu hơn 310.000 cổ phiếu MWG từ nhóm 5 quỹ đầu tư khác. Hồi tháng 3 vừa qua, KT Zmico cũng nhận 355.960 cổ phiếu MWG từ tay 5 tổ chức nước ngoài khác.
Tại ngày 3/8, khi các quỹ ngoại thực hiện chuyển nhượng, cổ phiếu MWG được giao dịch ở mức giá 112.500 đồng/cổ phiếu. Như vậy, tổng giá trị khoản đầu tư mà các quỹ ngoại đã sang tay là gần 70 tỷ đồng.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất quý 2/2018 của MWG, doanh thu thuần đạt 21.807 tỷ đồng – tăng 39%; lợi nhuận sau thuế 732 tỷ đồng – tăng 43% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, MWG đạt doanh thu thuần 44.570 tỷ đồng – tăng 43%, trong đó doanh thu online đạt 5.540 tỷ đồng – tăng 117%; Lợi nhuận sau thuế 1.540 tỷ đồng – tăng 44% so với cùng kỳ 2017. Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) 6 tháng đạt 4.771 đồng.
So với kế hoạch doanh thu 86.390 tỷ đồng và lợi nhuận sau thế 2.603 tỷ đồng thì MWG đã hoàn thành 52% chỉ tiêu doanh thu và 59% chỉ tiêu lợi nhuận sau nửa năm.
Một điểm đáng chú ý trong báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm là khoản lỗ gần 735 triệu đồng của CTCP Bán lẻ An Khang – đơn vị bán thuốc, dụng cụ y tế, mỹ phẩm và vật phẩm vệ sinh…cũng được ghi nhận trong cơ cấu doanh thu, lợi nhuận của công ty liên doanh liên kết.
Tới cuối tháng 6, MWG cũng có nợ vay 8.083 tỷ đồng, tăng 29,1% so với đầu năm, trong đó 83,4% là nợ vay ngắn hạn.
Kể từ khi xác lập mức đỉnh 140.000 đồng/cp từ cuối năm 2017 đến nay, cổ phiếu MWG đã chững lại và rơi vào chu kỳ giảm giá khá mạnh. Kết thúc phiên giao dịch ngày 6/8, cổ phiếu MWG giao dịch ở mức 111.000 đồng/cổ phiếu, giảm 20,7% so với lúc đạt đỉnh.
Mặc dù kết quả kinh doanh khả quan, nhưng MWG vẫn bị các nhà đầu tư hoài nghi về động lực tăng trưởng khiến cổ phiếu MWG liên tục giảm, bất chấp những con số tăng trưởng.
Điều này cũng dễ hiểu khi mà mảng kinh doanh điện thoại đã chững lại, còn với điện máy cũng không còn quá nhiều dư địa tăng trưởng trong tương lai. Mảng kinh doanh mà MWG đặt nhiều kỳ vọng là Bách hóa xanh thì đang bị đặt dấu hỏi bởi áp lực cạnh tranh trong ngành này rất lớn.
Theo dự báo, quy mô thị trường bán lẻ của Việt Nam tăng liên tục từ 88 tỷ USD năm 2010 lên 179 tỷ USD vào năm 2020. Nhưng trụ vững được trên thị trường bán lẻ Việt Nam không phải dễ dàng khi nhiều doanh nghiệp đã phải lùi bước trong thời gian gần đây.
Chuỗi Bách Hóa Xanh của MWG sau 3 năm ra mắt với những kế hoạch táo bạo, vừa giảm mục tiêu mở 1.000 cửa hàng trong năm nay xuống còn 500. Việc giảm mục tiêu có thể là do trên thị trường đang phổ biến siêu thị và các cửa hàng tạp hóa truyền thống. Các siêu thị, đại siêu thị có lợi thế là mặt hàng nhiều, giá rẻ, là trung tâm mua sắm – giải trí, có nhiều lựa chọn cho khách hàng…
Đó có thể là những lý do khiến các quỹ ngoại không yên tâm nắm giữ cổ phiếu MWG, nên đã liên tục sang tay cổ phiếu này trong thời gian qua.