Nguyên nhân của việc sụt giảm này là do lo ngại giá cổ phiếu có thể bị cuốn theo xu hướng trượt giảm, ngày càng lớn của thị trường.
Nếu những năm trước đây, các doanh nghiệp đua nhau lên sàn chứng khoán để tìm kiếm cơ hội tiếp cận nguồn tài chính trong nền kinh tế, thì một năm trở lại đây xu hướng này dường như đã không được lựa chọn.
Bằng chứng là, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2011 số lượng doanh nghiệp niêm yết mới chỉ bằng 20% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có những trường hợp xin hoãn hoặc rút hồ sơ ngay cả khi đã có sự chấp thuận niêm yết của Ủy ban chứng khoán, do lo ngại giá cổ phiếu bị cuốn theo xu hướng xấu của thị trường.
Theo nhiều chuyên gia, sự sụt giảm này cũng là điều dễ hiểu, khi thị trường chứng khoán trong 2 năm trở lại đây luôn diễn ra trong èo uột. Nhiều cổ phiếu trên sàn TP.HCM và Hà Nội đã có thị giá dưới giá trị sổ sách.
Bằng chứng, theo thống kê của Ủy ban chứng khoán Nhà nước, tính từ đầu năm đến cuối tháng 6 năm 2011, chỉ số Vn-Index đã giảm 10,5% so với cuối năm 2010. Giá trị giao dịch bình quân cổ phiếu mỗi phiên trong 6 tháng đầu năm là 1.164,6 tỷ đồng, bằng 47% so với mức bình quân năm 2010.
Cùng với đó, việc huy động vốn qua thị trường chứng khoán cũng gặp khó khăn do sự sụt giảm của thị trường và mặt bằng lãi suất cao. Tính chung 6 tháng đầu năm vốn huy động qua phát hành thêm cổ phiếu chỉ đạt 4,5 nghìn tỷ đồng, tương đương 16% và vốn hy động qua đấu giá cổ phần hóa đạt 0,56 nghìn tỷ đồng, bằng 68% so với cùng kỳ năm trước.
Cho đến cuối tháng 6/2011, có khoảng 46% các công ty niêm yết có giá thị trường thấp hơn mệnh giá và 74% các công ty niêm yết có giá trị thị trường thấp hơn giá trị số sách.
Đặc biệt, do giá chứng khoán và khối lượng giao dịch sụt giảm mạnh nên nhiều công ty chứng khoán thua lỗ, hoạt động tự doanh và hoạt động môi giới cũng không hiệu quả do thu không đủ chi.
Theo ông Nguyễn Văn Quý – Chuyên viên phân tích, phòng Phân tích đầu tư – Công ty Cổ phần Chứng khoán FPT, việc niêm yết trên sàn chứng khoán giúp doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận nguồn tài chính trong nền kinh tế một cách minh bạch và thuận lợi hơn so với các kênh huy động khác. Tuy nhiên một rủi ro lớn đối với doanh nghiệp đó là thời điểm và xu hướng vận động của thị trường chứng khoán khi tiến hành niêm yết và chính thức giao dịch. Yếu tố này hết sức quan trong do ảnh hưởng đến hiệu quả huy động hoặc tăng vốn thông qua niêm yết và các đợt phát hành thêm.
Trong trường hợp thị trường gặp khó khăn, xu hướng là xu thế chủ đạo, tâm lý nhà đầu tư thận trọng thì quyết định niêm yết là hết sức rủi ro. Giá cổ phiếu hoàn toàn có thể chịu áp lực giảm theo xu hướng chung của toàn thị trường, bất chấp tình hình kinh doanh của doanh nghiệp vẫn tốt và tăng trưởng, ông Quý cho biết.
Tuy nhiên, ông Quý cũng cho rằng, đối với một doanh nghiệp có các chỉ tiêu tài chính cơ bản ổn định, thông tin được công bố minh bạch thì các rủi ro được giảm thiểu do vẫn thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư đặc biệt là dòng tiền đầu cơ nhanh. Nhờ đó giá cổ phiếu có khả năng giữ giá hoặc chỉ giảm nhẹ so với xu hướng chung của thị trường, mặc dù vậy nguy cơ thanh khoản thấp sẽ tăng lên. Đây cũng là một yếu tố khiến các doanh nghiệp luôn cân nhắc.
“Như vậy rõ ràng các doanh nghiệp sẽ vẫn chọn chiến lược niêm yết khi thị trường chứng khoán hồi phục và ổn định, đồng nghĩa với các tín hiệu tích cực của nền kinh tế sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển và cạnh tranh trên thị trường”, ông Quý nói.
Ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia, thực trạng giá cổ phiếu giảm mạnh dưới mệnh giá đã có những công ty xin hủy niêm yết hoặc dự định rút niêm yết khỏi thị trường chứng khoán vì ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, thương hiệu của công ty.
“Nếu thị trường tiếp tục đi xuống sẽ xuất hiện trao lưu rút niêm yết, và ảnh hưởng đến quá trình thúc đẩy các công ty niêm yết cổ phiếu. Đặc biệt, điều này sẽ ảnh hưởng đến tiến trình thúc đẩy doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán”, ông Nghĩa cảnh báo.