Sau khi “thăng hoa” trong giai đoạn từ đầu năm 2017 đến đầu tháng 4/2018, diễn biến của TTCK khá tiêu cực trong hơn 3 tháng trở lại đây. Ông có nhận định như thế nào về diễn biến của thị trường trong trung và dài hạn?
Kinh tế vĩ mô có những tín hiệu ổn định trong 6 tháng cuối năm, các mục tiêu kinh tế năm 2018 như tăng trưởng GDP 6,7%, lạm phát dưới 4% là khả thi và vẫn đang nằm trong sự kiểm soát, điều hành của Chính phủ, bên cạnh những tín hiệu khả quan về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết.
Tuy nhiên, thị trường đang phải đối mặt với nhiều thách thức như xu hướng tiêu cực của các TTCK trên thế giới, đặc biệt các TTCK mới nổi, bắt nguồn từ lo ngại chiến tranh thương mại giữa Mỹ và nhiều nước; khối nhà đầu tư nước ngoài liên tục có động thái bán ròng; dòng tiền vào TTCK có dấu hiệu suy yếu vì nhiều lý do…
Do đó, về tổng quan, xu hướng trung và dài hạn của TTCK khó có thể kỳ vọng có diễn biến khả quan như năm 2017. Theo tôi, thời gian tới, thị trường sẽ có sự phân hóa mạnh, phụ thuộc vào nội lực của mỗi doanh nghiệp.
Theo ông, những yếu tố nào sẽ tác động đến thị trường từ nay đến cuối năm?
Như tôi đã lo ngại, căng thẳng thương mại thế giới bắt nguồn từ chính sách bảo hộ của Mỹ là yếu tố khách quan ảnh hưởng rất lớn tới các TTCK toàn cầu, chứ không chỉ riêng Việt Nam.
Yếu tố này có thể tác động mạnh tới triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu, một số định chế tài chính lớn như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu năm 2019 có thể giảm từ 0,1 – 0,4% so với năm 2018, các nền kinh tế đang phát triển đối mặt với áp lực rút vốn và sự mất giá của đồng nội tệ do chính sách tiền tệ thắt chặt. Việc khối ngoại liên tục bán ròng trên TTCK Việt Nam trong thời gian gần đây là một phần hệ quả.
Nội tại nền kinh tế trong nước năm nay được đánh giá là ổn định và khả quan, sẽ hỗ trợ tích cực cho TTCK. Tuy nhiên, các yếu tố bên ngoài sẽ có tác động không nhỏ tới TTCK trong nước, ví dụ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tăng lãi suất thêm 2 lần trong 6 tháng cuối năm, xu hướng tiêu cực của các TTCK mới nổi, đặc biệt là lo ngại về việc leo thang chiến tranh thương mại với những hệ quả khó lường.
Vậy cần những yếu tố nào để hỗ trợ thị trường quay trở lại nhịp tăng trưởng trong thời gian tới?
Sự đi xuống của TTCK thời gian qua đi kèm với thanh khoản giảm mạnh, báo hiệu đã có nhiều nhà đầu tư chọn giải pháp đứng ngoài thị trường. Bên cạnh đó, khối ngoại bán ròng liên tục, khiến cho dòng tiền hiện tại trên thị trường khá yếu. Tôi cho rằng, yếu tố quan trọng nhất cần được cải thiện đó là dòng tiền để thị trường có thể quay lại nhịp tăng trưởng tích cực.
Để điều này xảy ra, sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý thị trường là cần thiết, ví dụ nâng tỷ lệ ký quỹ ở thị trường phái sinh để hạn chế dòng tiền chảy qua kênh này, sửa đổi Luật Chứng khoán, ban hành các chính sách để nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thị trường dễ dàng, đặc biệt là sự điều hành kinh tế vĩ mô hiệu quả của Chính phủ.
Bên cạnh đó là kỳ vọng vào các yếu tố khách quan từ thế giới có thể cải thiện theo chiều hướng tích cực, cũng như sự cân bằng dịch chuyển của dòng vốn ngoại (đang bán ròng). Tuy nhiên, tôi nhấn mạnh, đó là sự kỳ vọng, bởi những tác động khách quan này là hoàn toàn bị động với TTCK Việt Nam.
Trong bối cảnh thị trường chưa có đủ các tín hiệu xác nhận xu thế tích cực và thanh khoản chưa được cải thiện, theo ông, chiến lược đầu tư nên tập trung vào nhóm cổ phiếu ngành nào?
Khi đề cao sự phân hóa mạnh phụ thuộc vào nội lực của doanh nghiệp, tôi cho rằng, vẫn sẽ có những cổ phiếu hoặc nhóm ngành cổ phiếu có thể có sự tăng trưởng tốt trong giai đoạn cuối năm, ngay cả khi thị trường có diễn biến không thực sự tích cực.
Thực tế đã có nhiều doanh nghiệp quy mô trung bình có nền tảng cơ bản tốt, tăng trưởng cao (thể hiện qua kết quả kinh doanh quý II đã được công bố) chưa thu hút được sự chú ý của dòng tiền. Cổ phiếu các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành phòng thủ, hoặc được hưởng lợi từ tỷ giá cũng là sự lựa chọn thích hợp.