Lãi hàng nghìn tỷ, dòng tiền vẫn âm
Báo cáo tài chính năm 2017 của Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam cho thấy, doanh thu thuần năm vừa qua đạt 6.563 tỷ đồng, tăng nhẹ 4% so với năm trước đó, tuy nhiên, giá vốn tăng khiến lợi nhuận gộp giảm 2%.
Thực tế, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất động cơ và máy nông nghiệp, lắp ráp ô tô – xe máy, sản xuất phụ tùng, vốn là ngành nghề kinh doanh chính của VEAM nhưng không mang lại biên lợi nhuận gộp cao, khi lợi nhuận gộp mang về chỉ khoảng 620 tỷ đồng. Tuy vậy, hàng năm, Công ty đều ghi nhận lợi nhuận sau thuế rất cao, chủ yếu nhờ khoản thu về từ công ty liên doanh, liên kết. Năm 2017, hạng mục này mang về cho VEAM tới 5.169 tỷ đồng, tăng 600 tỷ đồng so với năm 2016.
Hiện VEAM có 13 công ty con (9 công ty có lãi), 8 công ty liên doanh, liên kết (6 công ty có lãi) và 1 viện nghiên cứu. Mặc dù không thuyết minh chi tiết các công ty liên doanh, liên kết đóng góp thế nào vào lợi nhuận của Công ty, song trong những khoản đầu tư của VEAM, đáng giá nhất là khoản vốn góp vào 3 công ty chuyên về sản xuất và lắp ráp ô tô xe máy lớn là: Toyota Việt Nam, Honda Việt Nam và Ford Việt Nam với tỷ lệ góp vốn lần lượt là 20%, 30%, 25%. Trong đó, VEAM sở hữu Ford Việt Nam thông qua công ty con là Công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên Diesel Sông Công (Disoco).
Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), 3 công ty kể trên nắm 40% thị phần ô tô và trên 70% thị phần xe máy tại Việt Nam năm 2017. Ngoài ra, VEAM còn có vốn góp tại 4 công ty con/liên doanh chuyên sản xuất sản phẩm cơ khí cho các đối tác trong lĩnh vực sản xuất xe máy như Honda, Yamaha và Piaggio.
Nhờ vậy, lợi nhuận sau thuế của VEAM năm 2017 đạt 5.085 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt 5.046 tỷ đồng, tăng trưởng 12% so với năm trước.
Tuy nhiên con số này chưa phản ánh đầy đủ sức khỏe của doanh nghiệp. Nhìn vào báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất của VEAM có thể thấy, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ âm 1.310 tỷ đồng, trong khi năm trước dòng tiền vẫn dương. Trong đó, đáng lưu ý, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 541 tỷ đồng (năm 2016 dương 4.982 tỷ đồng). Cùng với đó, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính đều âm, hạng mục đưa về dòng tiền cho VEAM chỉ là hoạt động đầu tư.
Tất nhiên, không phải mọi doanh nghiệp có dòng tiền hoạt động kinh doanh âm đều đáng báo động. Với những doanh nghiệp mới thành lập, đang trong quá trình mở rộng, phải nhập thêm hàng hóa, tăng tồn kho, tăng phải thu, phải trả…, thì tình trạng dòng tiền âm là bình thường, công ty có thể sử dụng vốn vay hoặc huy động từ cổ đông để bổ sung lượng thiếu hụt.
Nhưng về dài hạn, dòng tiền hoạt động kinh doanh phải dương để bù đắp cho các hoạt động đầu tư, trả nợ vay và cổ tức cho cổ đông, nếu không thì doanh nghiệp có thể sẽ chìm vào gánh nặng nợ nần, thiếu trước hụt sau. Theo đó, khi dòng tiền âm, đây có thể là tín hiệu cảnh bảo tình hình kinh doanh của doanh nghiệp đang có vấn đề.
Lý giải nguyên nhân tình trạng dòng tiền âm, VEAM cho biết, hoạt động sản xuất công nghiệp hiệu quả thấp do đầu tư tại Nhà máy Đúc mới đi vào sản xuất năm đầu tiên, còn tại Nhà máy Ô tô, do thị trường giảm sút nên các chỉ tiêu về tồn kho và vòng quay vốn chưa đạt được hiệu quả cần thiết.
Các công ty do VEAM góp vốn trong lĩnh vực máy nông nghiệp như Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Động cơ và Máy Nông nghiệp miền Nam (SVEAM), Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Máy kéo và Máy nông nghiệp (TAMAC), Công ty Cơ khí Trần Hưng Đạo cũng gặp khó khăn ở các thị trường trong nước và xuất khẩu. Một số công ty khác trong lĩnh vực này hoặc tham gia cung cấp linh kiện như Công ty Cơ khí An Giang, Công ty Nakyco, Disoco cũng có hiệu quả giảm sút.
Kế hoạch cổ tức đột biến
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018, HĐQT VEAM trình cổ đông kế hoạch năm nay với chỉ tiêu doanh thu công ty mẹ đạt 3.539 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 4.908 tỷ đồng, đều tăng trưởng mạnh so với năm 2017. Đáng chú ý, mức cổ tức dự chi là 28% (cổ tức năm 2017 là 3,7%). Sau khi lên giao dịch tại sàn UPCoM, VEAM sẽ tiếp tục kế hoạch niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE) trong năm nay.
Trước đó, VEAM đã tiến hành IPO vào ngày 29/8/2016 thông qua việc chào bán hơn 149 triệu cổ phần ra công chúng với mức giá 14.291 đồng/cổ phần. Ngày 2/7 tới đây, Công ty sẽ chính thức giao dịch trên UPCoM với mã cổ phiếu VEA, giá tham chiếu là 27.600 đồng/cổ phiếu. Tại mức giá này, vốn hóa thị trường VEAM tương ứng 36.675 tỷ đồng.
Điều mang lại kỳ vọng cho nhà đầu tư khi mua cổ phần VEAM thời điểm IPO chính là khoản lợi nhuận nhận được từ việc góp vốn vào các liên doanh. Soi vào hạng mục này, tổng giá gốc đầu tư của VEAM vào Honda Việt Nam, Toyota Việt Nam và Ford Việt Nam là hơn 5.314 tỷ đồng, giá trị hợp lý tính đến thời điểm 31/3/2018 đã lên tới 8.187 tỷ đồng.
Hiện tại, Honda Việt Nam là đơn vị đóng góp lợi nhuận lớn nhất cho VEAM khi Công ty đang nắm giữ 30% đơn vị này. Honda Việt Nam đang nắm giữ 71,5% thị phần sản xuất xe máy năm 2017, trong khi lợi nhuận từ sản xuất xe máy chiếm 90% lợi nhuận. Việc tỷ lệ tiêu thụ xe tay ga ngày càng tăng sẽ tiếp tục giúp Honda Việt Nam cải thiện lợi nhuận trong điều kiện thị trường bão hòa.
Nếu doanh thu và lợi nhuận của Honda Việt Nam tăng trong năm 2017, thì lợi nhuận Toyota Việt Nam lại giảm 44,8% do áp lực cạnh tranh trên thị trường ô tô. Xếp sau Thaco, Toyota là doanh nghiệp sản xuất ô tô lớn thứ 2 Việt Nam với 24,1% thị phần năm 2017.
Tuy nhiên, Nghị định số 116/2017/NĐ-CP đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 thắt chặt quy định về kiểm tra chất lượng ô tô nhập khẩu về nguồn gốc, chủng loại, an toàn kỹ thuật và các quy định về bảo vệ môi trường. Điều này khiến sản lượng tiêu thụ xe nhập khẩu nguyên chiếc (CBU) của cả Toyota và Honda đều giảm mạnh trong quý I năm nay, do gặp khó khăn để có được chứng nhận VTA (chứng nhận chất lượng, kiểm loại ô tô nhập khẩu) do cơ quan chức năng của nước xuất khẩu cấp.
Nếu không có chứng nhận VTA, các nhà nhập khẩu cần cung cấp chứng chỉ riêng biệt về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho động cơ. Tuy vậy, một số mẫu xe của Toyota và Honda nhập khẩu từ Indonesia đều đã được cấp VTA từ đầu tháng 4/2018, vì vậy sản lượng tiêu thụ xe CBU sẽ tăng trở lại trong quý II.
Chưa kể, dù Ford Việt Nam chỉ đóng góp một phần nhỏ lợi nhuận của VEAM, nhưng theo ước tính của HSC, lợi nhuận từ Toyota và Ford sẽ tăng dần trong năm 2018 và đóng góp cho VEAM lần lượt là 759 tỷ đồng và 163 tỷ đồng.
Trong khi đó, tuy hoạt động cốt lõi của VEAM chưa đạt được hiệu quả cao, song đây đều là những lĩnh vực được Nhà nước khuyến khích phát triển và có tiềm năng dài hạn.
Hiện tại, VEAM chưa có nhà đầu tư chiến lược sau vài lần tìm kiếm. Bộ Công thương vẫn đang nắm giữ 88,47% cổ phần của Công ty và dự kiến bán bớt 52,75%, tương đương 700,9 triệu cổ phiếu để giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 36% trong năm 2018. Dự kiến việc thoái vốn sẽ diễn ra sau khi VEAM niêm yết.