Ông bình luận xu hướng thị trường hiện nay ra sao, xét trên góc độ phân tích kỹ thuật?
Về ngắn hạn, xu thế của hai chỉ số chứng khoán vẫn là tích lũy. Trong trung hạn từ 3 – 6 tháng tới, theo dự báo của tôi, VN-Index sẽ đạt tối thiểu 500 điểm. Với HN-Index, mục tiêu thấp nhất là 95 điểm. Trong quãng thời gian dài hơn, từ 6 – 12 tháng tới, xu thế chủ đạo của thị trường vẫn là tăng điểm.
Cơ sở cụ thể của những nhận định đó là gì, thưa ông?
Về mặt phân tích kỹ thuật, cả hai chỉ số chứng khoán đã hoàn thành xong mô hình hai đáy – một mô hình báo hiệu chu kỳ tăng giá khá tin cậy. Các chỉ báo kỹ thuật trung hạn khác cũng đang phát đi các tín hiệu khả quan. Về mặt thông tin, TTCK đang nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn so với cách đây vài tháng: CPI đã đạt đỉnh, giá vàng giảm, lãi suất hạ…
Ông có lời khuyên nào dành cho các NĐT lúc này?
Với các NĐT đang nắm giữ cổ phiếu ưa thích việc lướt sóng, có thể tái cơ cấu danh mục. Các NĐT đang có vị thế tiền mặt có thể xem xét giải ngân một cách chọn lọc khi thị trường điều chỉnh. Chúng tôi đã lập danh sách 60 cổ phiếu khuyến nghị cho khách hàng và chi tiết hơn thì NĐT có thể tham khảo các tư vấn trong bản tin giao dịch hàng ngày của VCSC.
Nhưng nhiều NĐT khá “dị ứng” với khuyến nghị mua bán cổ phiếu từ các CTCK, vì chưa tin tưởng là nhà phân tích thật sự khách quan. Theo ông, nguyên nhân vì sao?
Sự thiếu tin tưởng này xuất phát từ cách hành xử và tính thiếu chuyên nghiệp của nhiều nhà phân tích. Theo tôi, một trong các lý do là trên thị trường xuất hiện quá nhiều khuyến nghị giao dịch, nhưng hầu như không có đánh giá hay tổng kết lại hiệu quả. Việc đưa ra các khuyến nghị bỏ lửng, theo tôi không phải là cách hành xử công bằng với NĐT. Nhìn nhận lại các dự báo không chỉ khiến nhà phân tích công tâm và thật sự khách quan, mà còn liên quan đến việc quản lý rủi ro cho NĐT.
Khái niệm quản lý rủi ro này như thế nào?
Trong bản tin phân tích kỹ thuật của VCSC, chúng tôi luôn nhìn lại các khuyến nghị qua việc tổng kết cập nhật hiệu quả (lãi/lỗ) hàng ngày. Cổ phiếu giảm giá ở mức bằng hoặc trên 10% chúng tôi kiên quyết đưa ra các khuyến nghị bán cắt lỗ. Theo tôi, với mức thiệt hại 10%, ở lần giao dịch kế tiếp, cổ phiếu tăng giá 12% là NĐT đạt tới điểm hòa vốn. Nếu không quản lý được rủi ro và không chấp nhận cắt lỗ, để cổ phiếu mất giá tới 50%, thì ở lần giao dịch kế tiếp, NĐT phải chọn lựa đúng cổ phiếu tăng giá 100% mới không thua lỗ. Thực tế cho thấy, trên thị trường không có nhiều cổ phiếu siêu hạng như vậy và nếu có cũng rất ít NĐT đủ bản lĩnh theo hết một con sóng cổ phiếu tăng giá gấp đôi. Chúng tôi chủ động tổng kết lại các khuyến nghị hàng ngày nhằm giúp NĐT sẵn sàng cắt lỗ trong trường hợp diễn biến thị trường trái với dự báo.
Ở góc độ là nhà phân tích, có bao giờ ông bị nhiễu bởi các tín hiệu do cung cầu giả tạo?
Hoạt động đầu cơ mạnh diễn ra ở bất kỳ thị trường mới nổi nào, tuy nhiên chỉ các mã có thanh khoản thấp mới có thể “tung hứng”. Thực tế, với 60 cổ phiếu được khuyến nghị của chúng tôi, thanh khoản của các cổ phiếu đã được xem xét trước khi đưa vào danh sách. Đây là một khía cạnh khác của khái niệm quản lý rủi ro. Theo quan sát của tôi, khá nhiều NĐT Việt Nam đã có lúc kiếm được rất nhiều tiền với các cổ phiếu “nóng” lúc thị trường đi lên, nhưng không lâu sau đó lại gần như trắng tay. Lý do là NĐT không biết hoặc xem nhẹ nguyên tắc quản lý rủi ro trong đầu tư chứng khoán, dù việc tham gia thị trường không diễn ra ngày một ngày hai.
Làm thế nào để các NĐT nhỏ làm quen với khái niệm quản trị rủi ro như ông đề cập?
Ngày 29/9 tới, chúng tôi sẽ tổ chức chuỗi hội thảo phân tích kỹ thuật tại TP. HCM. Dự kiến, ban đầu tổ chức định kỳ 2 tuần/lần, sau đó có thể tăng tần suất, phụ thuộc vào nhu cầu của NĐT. Bên cạnh việc đưa ra các dự báo thị trường, tư vấn theo yêu cầu của NĐT, chúng tôi đề cập sâu hơn về chiến lược đầu tư và quản lý rủi ro. Đây là dịch vụ gia tăng cho các khách hàng của VCSC, nhưng cũng mở rộng cửa cho các NĐT khác quan tâm.