Thị trường trong tháng 8 diễn biến theo hai hướng đối lập: nửa đầu tháng ảm đạm với thanh khoản cực thấp, nửa cuối tháng hồi phục từ mức thấp nhất trong hai năm qua. Ngoài những lo ngại về lạm phát cao và kết quả lợi nhuận trái chiều của các công ty, nguyên nhân khiến nhà đầu tư quay lưng với chứng khoán còn do sức hấp dẫn của những tài sản đầu tư khác có tỷ suất lợi nhuận cao hơn, cụ thể như vàng và tiền gửi nội tệ.
Chúng tôi vẫn tin rằng việc tái phân bổ tài sản của các nhà đầu tư trong nước sẽ là chìa khóa hỗ trợ thị trường chứng khoán. Xu hướng này có thể phần nào đã diễn ra từ giữa tháng Tám, khi NHNN truyền đi thông điệp giảm lãi suất tiền đồng. Động thái mới của NHNN đã khuyến khích các nhà đầu tư quay lại thị trường với kỳ vọng dòng vốn mới sẽ xuất hiện khi các phương án giảm lãi suất được thực thi.
Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã chính thức ban hành hướng dẫn về giao dịch ký quỹ tại các công ty chứng khoán, có hiệu lực từ ngày 30/8/2011. Theo đó, tỷ lệ ký quỹ ban đầu và tỷ lệ ký quỹ duy trì không được dưới 60% và 40% tương ứng, thấp hơn so với dự thảo ban đầu là 70% và 50%. Chúng tôi cho rằng mức ký quỹ thấp hơn so với dự thảo là tin tức tích cực hỗ trợ thị trường chứng khoán. Ngoài ra, việc hợp pháp hoá giao dịch ký quỹ sẽ giúp UBCKNN quản lý hoạt động giao dịch ký quỹ hiệu quả hơn vì các công ty chứng khoán buộc phải báo cáo hoạt động với UBCKNN hàng tháng hoặc theo yêu cầu của UBCKNN.
Về hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài, mặc dù vẫn mua ròng trong năm nhưng tháng 8 là tháng nhà đầu tư nước ngoài bán ròng nhiều nhất từ đầu năm đến nay, với giá trị khoảng 225 tỷ đồng (10,7 triệu USD). Tính đến hết tháng 8, khối ngoại đã mua ròng tổng cộng 145,1 triệu USD trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thanh khoản thấp, biên độ giao dịch hẹp và tâm lý đầu tư theo số đông của hầu hết các nhà đầu tư trong nước đã khiến thị trường biến động mạnh. Chúng tôi tin rằng với mức giá thấp gần đây, cổ phiếu Việt Nam sẽ đem lại cho nhà đầu tư tỷ suất lợi nhuận an toàn, vì trên cơ sở xem xét các mức định giá trong quá khứ, chứng khoán Việt Nam đang rẻ hơn so với thời điểm thị trường tạo đáy trong tháng 2/2009. P/E hiện nay của thị trường là khoảng 10,5x. Tuy nhiên, với áp lực ngầm của lạm phát, lãi suất cao, nguy cơ tiền đồng giảm giá và tổng cầu tăng chậm cùng với những đặc trưng của thị trường chứng khoán Việt Nam, chúng tôi vẫn giữ quan điểm thận trọng.
Chúng tôi tiếp tục duy trì khuyến nghị THÊM VÀO cho các công ty cao su DPR và TRC vì tình trạng mất cân bằng cung-cầu trên thế giới vẫn tiếp diễn. Kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm của các công ty cao su có nhiều tiến triển so với dự kiến do giá cao su tăng trước tình hình khoảng cách cung-cầu ngày càng lớn. Giá cao su vẫn ở mức cao khoảng 4.500 USD/tấn từ mức trung bình 3.000 USD/tấn trong năm 2010. Chúng tôi tin rằng các công ty cao su có thể đạt mục tiêu lợi nhuận trong năm nay, do đó chúng tôi vẫn giữ quan điểm lạc quan đối với ngành vì các công ty có doanh thu ngoại tệ và thanh toán bằng tiền đồng.
Với khả năng tiền đồng có thể giảm giá vào thời điểm cuối năm, chúng tôi vẫn khuyến nghị khách hàng chú ý các công ty có doanh thu ngoại tệ.Trong tháng Tám, chúng tôi đã công bố báo cáo chi tiết cho Tổng công ty Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí Việt Nam (HSX: PVD) với khuyến nghị THÊM VÀO trên cơ sở đánh giá tổng giá trị các đơn hàng còn lại của công ty là khoảng 479 triệu USD. Đây cũng là yếu tố thúc đẩy khả năng tăng giá trong mô hình định giá vì phần lớn doanh thu của PVD được tính bằng USD trong khi nhu cầu vốn đầu tư được tài trợ với lãi suất LIBOR, SIBOR + khoản chênh lệch với lãi suất áp dụng trên tổng các khoản vay hiện tại là dưới 4%.