Điều này khiến nhiều người bị bất ngờ bởi lẽ ngành bất động sản, xây dựng, vốn là ngành nghề kinh doanh chính của VCG đang gặp khó khăn.
Bất ngờ nổi trội
Cũng trong BCTC hợp nhất quý II, doanh thu (DT) thuần của VCG đạt 3.363 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước đạt 3.137,4 tỷ đồng. Thậm chí lợi nhuận (LN) gộp của VCG chỉ đạt 477,1 tỷ đồng, thấp hơn quý II-2010 đến 177 tỷ đồng. Điểm đáng chú ý là chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp lần lượt đạt 40,9 tỷ đồng và 175,4 tỷ đồng, giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước là 172,9 và 208, tỷ đồng.
Điều này góp phần quan trọng khiến LN thuần của VCG đạt 133,3 tỷ đồng, tăng gần 20 tỷ đồng, so với quý II năm ngoái. Ngoài ra, công ty còn có thêm khoản thu nhập khác xấp xỉ 70 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ năm trước.
Những yếu tố trên phần nào cho thấy, về hoạt động kinh doanh chính, VCG không có điểm gì quá đặc sắc, nhưng lại có những con số “đẹp” nhờ vào việc cắt giảm một số chi phí bên cạnh những khoản thu nhập khác.
Ở đây đặt ra nhiều câu hỏi: Về vấn đề chi phí, phải chăng VCG đã quản lý chi phí tốt thật sự hay công ty đang sử dụng những thủ thuật kế toán nhằm “gác” chi phí thấp đi?
Trong khi đó, những khoản thu nhập khác cũng không được thuyết minh một cách đầy đủ, rõ ràng trong BCTC. Hàng loạt công ty lớn trong ngành bất động cũng đang gặp khó khăn, chấp nhận công bố KQKD không khả quan. Tại sao VCG lại “nổi trội” như vậy?
Ông Hoàng Thạch Lân, Giám đốc Môi giới CTCK MHBs đặt vấn đề: “Lúc này không dễ xác định rõ ràng những khoản lãi của VCG là thực hay ảo, bởi lẽ công ty trong ngành bất động sản có thể lách bằng nhiều cách hạch toán khác nhau. NĐT cần có thêm thời gian quan sát VCG để có những đánh giá chính xác nhất”.
“Khoe” để gọi vốn?
Dự án Xi măng Cẩm Phả được nhiều người gọi là “cục nợ” của VCG trong những năm qua. Tính đến hết năm 2010, Xi măng Cẩm Phả đã lỗ lũy kế 760 tỷ đồng và dự kiến lỗ tiếp trong năm nay 460 tỷ đồng. Mới đây, VCG đã thông báo hoàn tất thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần của Xi măng Cẩm Phả (VCG đang giữ 99,6% VĐL) cho Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vichem).
VCG sẽ chuyển nhượng 51% vốn tại Xi măng Cẩm Phả với giá không thấp hơn mệnh giá và kế hoạch chuyển nhượng này đã được trình lên Thủ tướng Chính phủ. Đây có thể xem là bước đột phá giúp KQKD của VCG sáng sủa hơn trong thời gian tới.
Tuy nhiên, ngày 23-9 tới đây VCG sẽ tiến hành tổ chức ĐHCĐ bất thường 2011 để xin ý kiến cổ đông về phương án chào bán CP, tăng VĐL từ 3.000 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng. Rõ ràng, nếu VCG có bán một phần vốn của mình cho Vichem, số tiền thu về vẫn chưa đủ để trang trải và công ty vẫn đang cần huy động thêm.
Hiện tại, giá CP của VCG đã tiến gần về 1.0, nhưng chừng đó chưa đủ để khẳng định sự hấp dẫn của công ty. Điều này đang khiến một số NĐT đặt giả thiết phải chăng VCG đang muốn công bố thêm những thông tin tốt nhằm phục vụ cho đợt phát hành sắp tới? Năm 2010, VCG đã đàm phán để bán một phần vốn tại CTCP Nước sạch Vinaconex, mang về 327 tỷ đồng lợi nhuận (LN) gộp.
Trong thời gian tới, nếu VCG tiếp tục thoái vốn tại các công ty con của mình cũng không có gì bất ngờ. Vấn đề đặt ra là kế hoạch thoái vốn của VCG sẽ như thế nào? VCG sẽ giữ lại công ty nào và thoái vốn những đâu? Kế hoạch sản xuất sau thoái vốn là gì?
Một điều cũng quan trọng không kém là sự minh bạch của VCG chưa bao giờ được đánh giá cao, thậm chí với một số NĐT điều này trở nên… bình thường. Chẳng hạn trong BCTC bán niên của công ty mẹ VCG mới đây, Công ty kiểm toán Deloitte đã lưu ý về các khoản công nợ tiềm tàng và ghi nhận các khoản chênh lệch tỷ giá.
Điều NĐT cần ở đây là sự thẳng thắn, chia sẻ của lãnh đạo công ty về những thách thức. Đó mới là yếu tố vững chắc nhất để tạo ra sự an tâm khi cổ đông bỏ tiền ra mua CP.