Theo báo cáo vừa công bố của CTCK Vietcombank (VCBS), từ tháng 4, thị trường chứng khoán (TTCK) phái sinh ghi nhận tăng trưởng mạnh so với giai đoạn trước cả về khối lượng và giá trị giao dịch.
Tính từ tháng 4 đến 19/6, khối lượng giao dịch bình quân đạt hơn 60.300 hợp đồng, gấp 2,5 lần trung bình quý I và hơn 5 lần so với trung bình trong năm 2017. Số liệu này tương đương với giá trị giao dịch hàng ngày rơi vào khoảng 6.094 tỷ đồng (xấp xỉ các phiên giao dịch cao điểm của thị trường cơ sở trong quý I).
Theo VCBS, đối tượng tham gia vào thị trường phái sinh chủ yếu là các nhà đầu tư cá nhân trong nước thay vì nhà đầu tư nước ngoài. Giá trị giao dịch trung bình của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường dưới 1%.
Tỷ lệ khối lượng giao dịch/Số lượng vị thế mở (OI) tăng rất nhanh và mạnh từ kể từ tháng 4 cho thấy thị trường phái sinh tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn thị trường cơ sở.
Một số ưu điểm rõ nét của thị trường chứng khoán phái sinh có thể điểm tới như (i) khả năng tìm kiếm lợi nhuận theo cả 2 chiều biến động tăng hoặc giảm của chỉ số; (ii) Hạn chế rủi ro T+ nhờ đặc tính đóng mở vị thế trong ngày. (iii) Đòn bẩy cao tạo ra khả năng sinh lợi tiềm năng lớn hơn đồng thời tương ứng với mức rủi ro lớn hơn nhiều so với thị trường cơ sở.
Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán phái sinh còn thu hút nhờ chính sách của các công ty chứng khoán với các ưu đãi phí giao dịch dao động 4.000-30.000 đồng/vị thế khác nhau dựa theo (1) kỳ hạn hợp đồng và (2) thời gian đóng trạng thái qua đêm hoặc ngay trong ngày.
Tất cả các yếu tố trên cho thấy sức hấp dẫn đáng kể và ngày càng lớn của thị trường chứng khoán phái sinh với một bộ phận không nhỏ những nhà đầu tư cá nhân trong nước.
Điều này gây ra những ảnh hưởng đáng kể lên thị trường chứng khoán cơ sở.
Thời gian qua, thanh khoản thị trường cơ sở sụt giảm đáng kể về cả khối lượng và giá trị. Tính bình quân trong tháng 4 và tháng 5 khối lượng giao dịch giảm lần lượt 17% và 40% so với mức trung bình quý I tương ứng với giá trị giao dịch suy giảm lần lượt 30% và 33% (tính theo giá trị khớp lệnh).
Mức biến động trong ngày của chỉ số VN-Index cũng tăng cao, những phiên biến động mạnh trên 3% xuất hiện với tần suất nhiều hơn. Đà giảm của chứng khoán cơ sở bắt đầu từ nhóm dẫn dắt chỉ số và sau đó lan tỏa ra toàn bộ các nhóm còn lại. Đồng thời, tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư trong nước ở thị trường cơ sở cũng sụt giảm.
Bên cạnh nguyên nhân khối ngoại bán ròng, sự suy giảm thanh khoản trên thị trường cơ sở có thể phần nào đươc lý giải bởi sự dịch chuyển của dòng vốn mang nhiều tính chất đầu cơ của các nhà đầu tư nội (sang thị trường phái sinh).
VCBS không đánh giá cao khả năng dòng tiền sẽ sớm trở lại thị trường cơ sở bởi sức hấp dẫn của thị trường phái sinh vẫn tồn tại trừ trường hợp có sự can thiệp mang tính hệ thống bắt nguồn từ phía cơ quan quản lý.
Theo VCBS, nhà đầu tư ưa mạo hiểm, có khả năng theo dõi sát diễn biến thị trường nên cân nhắc dịch chuyển một phần danh mục đầu tư sang thị trường chứng khoán phái sinh khi đây là kênh đầu tư ghi nhận lợi thế đáng kể về mức sinh lời theo cả hai chiều khi thị trường tăng và giảm.
Với nhà đầu tư vẫn duy trì tỷ trọng cao trên thị trường cơ sở, VCBS cho rằng nhà đầu tư sẽ có được nhiều lợi thế hơn khi áp dụng các chiến lược giao dịch T+ mua thấp- bán cao trên các danh mục cổ phiếu đã có sẵn trong danh mục.
Đối với nhà đầu tư không ưa mạo hiểm và theo phong cách đầu tư giá trị các cơ hội giải ngân tại các vùng giá chiết khẩu mạnh sẽ xuất hiện nhiều hơn khi biên độ dao động ngày đang càng ngày càng được nới rộng.