Theo các chuyên gia, tài chính tiêu dùng là phương thức tốt để người dân tiếp cận nguồn vốn một cách chính thống thay vì vay nặng lãi.
Trao đổi với PV báo Lao Động, bà Nguyễn Thùy Dương – Phó Tổng Giám đốc dịch vụ tài chính ngân hàng Ernst & Young (EY) Việt Nam – cho biết: Với thị trường trên 90 triệu dân Việt Nam, mọi người đang nói về tài chính toàn diện. Tài chính tiêu dùng là phương thức tốt để người dân tiếp cận nguồn vốn một cách chính thống thay vì vay nặng lãi. Tuy nhiên, đây là mảng rủi ro nên lãi suất khách hàng phải trả cao hơn, nhưng rủi ro nhiều thì lợi nhuận mang lại lớn.
Hiện nay, các ngân hàng có xu hướng thích cho vay các khách hàng “cổ trắng” có bảng lương… Đối với những khách hàng không có thu nhập ổn định nhưng muốn mua xe máy, di động thì thủ tục của các công ty tài chính tiêu dùng đơn giản hơn và đáp ứng nhu cầu hàng ngày của người dân.
Điều quan trọng nhất đối với khoản đầu tư là “return on investment” (tỷ lệ lợi nhuận thu được so với chi phí đầu tư). Vì vậy, tuỳ vào khẩu vị rủi ro mà từng ngân hàng quyết định có theo mảng này hay không. Tuy nhiên, đây là mảnh đất mầu mỡ cho nhiều người chơi, ai có kinh nghiệm, từng trải qua “đau thương” và sẵn sàng đầu tư vào công nghệ thì người đó có thể thu lãi lớn.
Theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, tín dụng tiêu dùng tiếp tục đà tăng trưởng cao. Theo đó, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng của Việt Nam năm 2017 ước tăng khoảng 59% so với cuối năm 2016.
Ông Nguyễn Đức Vinh – TGĐ của VPBank – cho biết: “Tôi đánh giá Việt Nam là thị trường mới nổi, tỉ trọng người dân tham gia tài chính tiêu dùng chưa nhiều, cơ hội vẫn còn. Kinh tế vĩ mô của Việt Nam nói chung sẽ còn tích cực trong 3- 5 năm tới”.
Tổng số cho vay FE Credit (Công ty cho vay tiêu dùng của VPBank) hiện nay là 45 nghìn tỉ trên tổng số dư nợ cho vay khoảng gần 160 nghìn tỉ đồng. Như vậy, tỉ trọng cho vay của FE Credit trên tổng dư nợ cho vay cả ngân hàng chiếm không lớn (khoảng 20%) nhưng lại tạo ra doanh thu gần 50% cho ngân hàng mẹ.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ, Chủ tịch HĐQT của NHTMCP Quân đội (MB), ông Lê Hữu Đức kỳ vọng MCredit sẽ là “startup” trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng có tốc độ tăng trưởng cao nhất thị trường. Nhà băng này đặt mục tiêu cho MCredit trong năm 2018 đạt 300 tỷ đồng lợi nhuận.