Du lịch vào mùa
Ngay sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các công ty du lịch đã lên chương trình cho các tour du lịch chào hè với nhiều khuyến mại hấp dẫn. Đây cũng là thời điểm đem về doanh thu lớn nhất cho các công ty du lịch, lữ hành.
Vietravel – Chi nhánh Hà Nội thông báo mở bán bộ sản phẩm du lịch hè, giá ưu đãi giảm 35% đối với tuyến du lịch trong nước và giảm 6 triệu đồng/khách đối với tuyến du lịch nước ngoài, áp dụng cho khách mua tour trong thời gian từ 29/3-1/4.
Đại diện Vietravel cho biết, do là mùa cao điểm nên chi phí tổ chức một tour du lịch hè thường cao hơn các mùa khác trong năm, song để gia tăng cạnh tranh, thu hút khách hàng, Công ty vẫn mạnh tay giảm giá.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Công Hoan, Phó tổng giám đốc Công ty Du lịch Hanoi Redtours cho hay, để có được các chương trình tour hay, giá tốt, Hanoi Redtours đã phải lên kế hoạch từ 4-6 tháng trước đó. Hiện tại, Hanoi Redtours đang có hơn 100 tour khuyến mại hấp dẫn trong tuần lễ từ 24/3-1/4 nhân dịp chào mừng sự kiện du lịch lớn nhất Việt Nam – Hội chợ du lịch quốc tế (VITM) 2018.
“Mỗi doanh nghiệp lữ hành đều có chiến lược riêng nhằm hút khách dịp cao điểm. Hè năm nay, trong bối cảnh nhu cầu du lịch của người dân tăng cao, doanh nghiệp nào đưa ra tuyến tour hợp lý, giá và dịch vụ chất lượng tốt sẽ dành lợi thế”, ông Hoan nói.
Để cạnh tranh với các tên tuổi khác tại VITM 2018, Saigontourist cũng ưu đãi 5,3 triệu đồng/khách khi mua tour trong nước và 20 triệu đồng/khách khi mua tour nước ngoài, bên cạnh nhiều khuyến mại hấp dẫn khác như mua tour trúng tour, quà tặng miễn phí…
Cổ phiếu du lịch vẫn èo uột
Thị trường kinh doanh sôi động là vậy, nhưng diễn biến trên thị trường chứng khoán lại tỷ lệ nghịch. Hiện nay, có hơn 10 doanh nghiệp du lịch, lữ hành đang niêm yết, có thể kể đến là FDT (CTCP Du lịch Fiditour), OCH (CTCP Du lịch và khách sạn Đại Dương), VNG (CTCP Du lịch Thành Thành Công), DAH (CTCP Tập đoàn Khách sạn Đông Á), TCT (CTCP Cáp treo Núi bà Tây Ninh)…
Là một trong những tên tuổi trong ngành du lịch, giá ở mức khá cao từ 39.000-40.000 đồng/cổ phiếu, nhưng cổ phiếu FDT thường trong tình trạng “chết” thanh khoản. Từ 1/9/2017 đến nay (ngày 26/3/2018), cổ phiếu FDT không có giao dịch. Hiện FDT đang bị đưa vào diện cảnh báo từ 5/4/2016 do lợi nhuận sau thuế năm 2015, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2015 trên báo cáo tài chính kiểm toán năm 2015 là số âm.
Tương tự, trong 6 phiên gần nhất từ 19/3 đến 28/3, cổ phiếu TCT có 4 phiên không có giao dịch, 2 phiên giao dịch nhúc nhắc thì đều giảm điểm. Riêng ngày 26/3, cổ phiếu này giảm 3,6% về còn 67.000 đồng/cổ phiếu.
Trong số cổ phiếu du lịch, CTC và FDT là 2 mã hiếm hoi có thị giá cao, còn lại đa phần giá rẻ như rau, dao động quanh mức 4.000 – 5.000 đồng/cổ phiếu, có thể đến như cổ phiếu OCH hiện có giá 4.700 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu DAH cũng chưa đến 5.000 đồng/cổ phiếu. Mặc dù giá thấp, song thanh khoản của OCH và DAH cũng thường xuyên trong tình trạng èo uột.
Nhiều ý kiến cho rằng, cổ phiếu du lịch không được nhà đầu tư đánh giá cao, bên cạnh tốc độ tăng trưởng của ngành này thường chậm so với nhiều ngành khác, còn bởi quy mô doanh nghiệp không lớn, biên lợi nhuận thấp, khó có cơ hội tăng trưởng đột biến… Trong khi các doanh nghiệp được kỳ vọng như Saigontourist, Hanoitourist, Vietravel… lại chưa lên sàn, nên chưa tạo sức hấp dẫn cho cổ phiếu ngành này.
Được biết, Saigontourist có kế hoạch cổ phần hóa trong thời gian tới. Công ty hiện đang nắm giữ cổ phần tại một loạt khách sạn 4-5 sao ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước như Caravelle, Sài Gòn Phú Quốc, Sài Gòn Nha Trang, Sài Gòn Mũi Né, Sài Gòn Vĩnh Long… Theo kế hoạch, Nhà nước sẽ giảm sở hữu tại đây về dưới 50% sau khi cổ phần hóa. Báo cáo tài chính của Saigontourist mới nhất cho thấy, 6 tháng đầu năm 2017, doanh nghiệp này có lợi nhuận đạt gần 1.000 tỷ đồng.
Kỳ vọng rằng, khi các tên tuổi lớn của ngành du lịch lên sàn, bức tranh cổ phiếu ngành này sẽ tươi sáng hơn.