Cơ hội cho người tiêu dùng Việt
Việt Nam cùng 10 nước thành viên đã chính thức ký Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào ngày 9/3. Theo đó, thuế suất xuất nhập khẩu loạt mặt hàng sẽ giảm về 0% trong vòng 7 năm.
Bên cạnh những lợi thế cho doanh nghiệp khi Việt Nam tham gia CPTPP, dưới góc độ người tiêu dùng cũng sẽ hưởng lợi ích từ Hiệp định này, trong đó có lợi ích có thể mua sữa và các sản phẩm từ sữa với mức giá rẻ hơn.
Bởi số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong năm 2017 nhóm hàng sữa và sản phẩm nhập khẩu đạt kim ngạch 865,4 triệu USD, tăng 1,59% so với năm 2016. Trong đó, nhập khẩu sữa và sản phẩm từ sữa từ thị trường New Zealand chiếm đến 26,9% tổng kim ngạch, đạt 232,8 triệu USD.
Kế đến là Singapore và Mỹ tương ứng với 122,4 triệu USD và 67,7 triệu USD.
Còn tính đến hết tháng 2/2018, kim ngạch nhập khẩu sữa và sản phẩm từ sữa của Việt Nam đã đạt 128,1 triệu USD. New Zealand vẫn là thị trường chủ lực cung cấp sữa cho Việt Nam trong 2 tháng đầu năm qua, chiếm 32,3% tổng kim ngạch với 41,3 triệu USD.
Tiếp theo là Singapore với 14,5 triệu USD; Malaysia với 5,1 triệu USD và Nhật Bản là 2,4 triệu USD.
Như vậy, trong số 10 nước tham gia CPTPP thì đã có đến 4 nước xuất khẩu sữa sang thị trường Việt Nam với thị phần lớn nhất.
Riêng với sữa được nhập khẩu từ New Zealand, chưa cần đến khi CPTPP có hiệu lực, thuế suất nhập khẩu sữa từ thị trường này đã được giảm về 0% từ năm 2018, trên cơ sở thỏa thuận của Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA).
“CPTPP là Hiệp định thuộc thế hệ thứ 4. Thứ hệ đầu tiên chỉ có lĩnh vực hàng hóa, thế hệ 2 có thêm lĩnh vực tài chính, thế hệ 3 là đầu tư và đây là thứ hệ thứ 4. Điều đó có nghĩa là hiệp định này ngày càng tiến bộ hơn, đòi hỏi ở mức độ cao hơn, nên sẽ đem lại rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng”, chuyên gia Ngô Trí Long nhận định khi trao đổi với VnEconomy.
Trong số những lợi ích mà CPTPP mang lại, ông Long cho rằng, ưu điểm lớn nhất của CPTPP đối với Việt Nam nói riêng và các nước còn lại nói chung là thuế suất các loại hàng hóa sẽ dần tiến tới 0%, trong đó có mặt hàng sữa và các sản phẩm từ sữa.
Như vậy, nếu theo lộ trình thì có thể trong vòng 7 năm tới, các loại sữa được nhập khẩu từ New Zealand, Singapore, Nhật Bản… sẽ rẻ hơn.
Thách thức với doanh nghiệp sữa ngay chính sân nhà
CPTPP mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt. Tuy nhiên, trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung và ngành sữa nói riêng thì muốn tận dụng được các cơ hội, doanh nghiệp buộc phải vượt qua thách thức.
Như chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch đã nói, những thách thức này không phải mới đặt ra khi Việt Nam ký kết CPTPP mà đã đặt ra từ nhiều hiệp định thương mại khác như Hiệp định Thương mại tự do ASEAN hay AANZFTA…
Khi đó, các loại thuế suất sẽ bằng 0%, hàng hóa của các nước khác tràn vào Việt Nam, buộc doanh nghiệp Việt phải cạnh tranh một cách sòng phẳng.
“Ở CPTPP, lo ngại nhất là lĩnh vực nông nghiệp, bởi năng suất, chất lượng nông nghiệp của chúng ta chưa được ổn định nên cần phải quan tâm hơn. Tất nhiên, trong nông nghiệp cũng tùy từng ngành hàng, ví như ngành hàng thịt, ngành hàng sữa, năng lực cạnh tranh của chúng ta còn yếu, giá thành cao mà chất lượng thì không bằng các nước khác, nên chúng ta phải đầu tư.
Nếu không đầu tư thực sự bài bản, chuyên nghiệp thì đây sẽ là vấn đề nan giải. Khi đó, doanh nghiệp Việt sẽ không chỉ thua trên sân đối phương mà còn thua trên sân nhà”, ông Ngô Trí Long nhấn mạnh.
Để cạnh tranh được với doanh nghiệp ngoại, ông Trần Du Lịch đã lưu ý doanh nghiệp Việt phải biết lựa chọn sản phẩm, lựa chọn thị trường, làm tập trung, chứ không phải là gặp đâu làm đó.
Cùng quan điểm, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trước đó cũng cho rằng, doanh nghiệp Việt cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển.