Bộ Tài chính cho biết, trong số vốn giải ngân nói trên, vốn trong nước là hơn 87.181 tỷ đồng, đạt 25,66% kế hoạch Quốc hội giao; vốn trái phiếu Chính phủ hơn 5.285 tỷ đồng, đạt 10,57% kế hoạch Quốc hội giao; vốn Chương trình mục tiêu quốc gia hơn 928 tỷ đồng; vốn ngoài nước hơn 6.927 tỷ đồng, đạt 11,55% kế hoạch Quốc hội giao.
Bộ Tài chính nhận định, số giải ngân vốn của các bộ, ngành Trung ương và địa phương một vài tháng gần đây đã có những chuyển biến tích cực so với các tháng đầu năm và đạt xấp xỉ tỷ lệ giải ngân cùng kỳ năm 2017. Trong đó, vốn trong nước có tỷ lệ giải ngân cao hơn khoảng 2% so với cùng kỳ năm 2017.
Có 8 bộ, ngành Trung ương và 12 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 40% kế hoạch như: Bộ Công an, Bộ Lao động thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội,… Có 4 bộ, ngành và 2 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 50% kế hoạch.
Phân tích nguyên nhân, Bộ Tài chính cho hay: Kết quả tích cực có được trong giải ngân tháng 5 xuất phát từ sự chỉ đạo sát sao và quyết liệt từ Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương. Ngoài ra, với vai trò là cơ quan theo dõi tình hình giải ngân kế hoạch đầu tư công, Bộ Tài chính cũng đã triển khai một số giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy tốc độ giải ngân.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bộ, ngành Trung ương và địa phương giải ngân thấp. Có thể kể đến là 37/56 bộ, ngành Trung ương và 21/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân kế hoạch năm 2018 thấp hơn mức bình quân chung của cả nước.
Thống kê cho thấy, vẫn còn 23 bộ, ngành Trung ương và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 10%. Trong đó, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (1,61%), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (1,46%), Bộ Y tế (3,47%), tỉnh Cao Bằng (8,22%), đặc biệt, Tổng công ty thuốc lá vẫn chưa giải ngân đồng vốn nào.
Đây là những bộ, ngành, địa phương, tổng công ty nhà nước trong tháng trước chưa giải ngân hoặc gần như chưa giải ngân, trong tháng vừa qua đã có nhích lên một chút nhưng gần như không đáng kể.
Ngoài ra, nhiều bộ, ngành Trung ương và địa phương vẫn chưa chấp hành nghiêm túc quy định về chế độ báo cáo (không gửi báo cáo hoặc báo cáo chỉ có số liệu, không có đánh giá), gây khó khăn cho Bộ Tài chính trong việc tổng hợp, xử lý những khó khăn vướng mắc và các kiến nghị nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Bộ Tài chính cho rằng việc giải ngân vốn của các bộ, ngành, địa phương thấp do còn một số khó khăn, vướng mắc như: Một số dự án đã giải ngân xong từ năm 2017 nhưng vẫn được bố trí kế hoạch vốn năm 2018 một số dự án hỗn hợp bao gồm cả cấp phát và cho vay lại chưa giải ngân được do vướng mắc trong thực hiện việc ký kết hợp đồng cho vay lại…
Bên cạnh đó, một số dự án như dự án giao thông đô thị bền vững cho tuyến tàu điện ngầm số 2 Tp.HCM bị ảnh hưởng bởi một dự án khác đang làm thủ tục trình Quốc hội để tăng tổng mức đầu tư. Một số dự án đang trong quá trình thanh quyết toán ở giai đoạn cuối nên tiến độ giải ngân không đều…
Năm 2018, vốn trái phiếu Chính phủ bố trí cho các bộ, ngành đều là các dự án mới, sau khi được giao kế hoạch vốn, các chủ đầu tư mới bắt đầu tiến hành chuẩn bị làm các thủ tục giải phóng mặt bằng và tổ chức đấu thầu nên chưa có khối lượng nghiệm thu và thanh toán…
Bộ Tài chính cho biết, trước tình hình giải ngân chậm của 4 tháng đầu năm, cơ quan này đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình chậm phân bổ kế hoạch vốn của các bộ, ngành, địa phương.
Đồng thời, chủ trì thu hồi về ngân sách Trung ương đối với phần kế hoạch vốn năm 2018 đến hết thời điểm ngày 31/3/2018 các bộ, ngành, địa phương chưa thực hiện phân bổ chi tiết cho các dự án, đồng thời trình phương án điều chuyển vốn cho dự án đang có nhu cầu. Việc này đã góp phần thúc đẩy tiến độ trong tháng 5 vừa qua.
Để đẩy nhanh hơn nữa công tác giải ngân của năm 2018, theo lãnh đạo Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính sẽ đề xuất Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành thường xuyên chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các chủ đầu tư thực hiện rà soát, đánh giá giải ngân của các dự án không có nhu cầu và khả năng giải ngân kế hoạch vốn năm do có khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng…
Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương chủ động điều chuyển hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền điều chuyển kế hoạch vốn sang các dự án khác thuộc danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn có nhu cầu, có tiến độ giải ngân tốt.
Trường hợp không có khả năng giải ngân hết kế hoạch vốn phải sớm báo cáo cấp có thẩm quyền để có kế hoạch điều chuyển sang các bộ, ngành Trung ương và địa phương khác đang có nhu cầu.
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo người đứng đầu các bộ, ngành Trung ương địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp báo cáo trực tiếp với Thủ tướng Chính phủ nguyên nhân của việc chậm giải ngân kế hoạch vốn; đề xuất giải pháp và kiến nghị; và có cam kết cụ thể về việc giải ngân hết kế hoạch vốn.