Thời gian gần đây, tỷ giá có xu hướng tăng cao. Theo đánh giá của giới chuyên gia, tỷ giá tăng do một số yếu tố trong và ngoài nước tác động tới tâm lý thị trường như: Thị trường chứng khoán trong nước tại một số phiên giảm điểm mạnh, USD tăng giá trên thị trường thế giới. Cùng với đó, lãi suất USD trên thị trường liên ngân hàng tăng theo xu hướng tăng của lãi suất thế giới trong khi lãi suất liên ngân hàng-VND vẫn ở mức thấp khiến điểm chênh lệch lãi suất VND/USD tăng mức âm.
Ở một khía cạnh khác, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ phân tích, tỷ giá VND/USD đang biến động và có xu hướng mạnh lên, nguyên nhân là do tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang diễn ra quyết liệt khiến Trung Quốc phải hạ giá đồng Nhân dân tệ (CNY) để duy trì xuất khẩu không quá giảm sút và hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ không quá khó khăn. Bởi trong vòng 6 tuần qua, Nhân dân tệ đã mất giá 8% so với USD.
Do những tác động nói trên, VND cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tỷ giá CNY/USD nên đương nhiên giảm giá theo, nhưng ở mức độ ít hơn. Ngoài ra, các đồng tiền khu vực và cả đồng Euro đang có phần giảm giá so với đồng USD, điều này cũng có tác động nhất định tới VND. Sự tác động này sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới mà chưa thể lường trước được.
TS. Lưu Bích Hồ cho rằng, bối cảnh đó đặt ra yêu cầu, Ngân hàng Nhà nước phải có giải pháp điều hành tỷ giá sao cho phù hợp với thực tế cung cầu ngoại tệ trên thị trường. Đặc biệt, đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu, nhập khẩu, trả nợ và kiểm soát lạm phát, ổn định đời sống nhân dân, từ đó có mức điều chỉnh, điều tiết hợp lý.
Dù khó khăn, áp lực, cũng không thể phá giá VND bởi nguyên nhân biến động tỷ giá không đến từ nội tại nền kinh tế, chúng ta vẫn kiểm soát được lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì tăng trưởng hợp lý, thực hiện chính sách tài chính, tiền tệ vừa chặt chẽ vừa linh hoạt.
Ông Hồ cũng lưu ý, việc quản lý ngoại tệ ra-vào nước phải chặt chẽ hơn, không để USD chảy ra ngoài không hợp pháp bằng mọi hình thức, kể cả việc dùng một ngoại tệ khác để mua USD tại Việt Nam. Cùng với đó, cần hạn chế tình trạng mua và găm giữ USD tạo thêm áp lực không đáng có cho cung – cầu ngoại tệ trên thị trường.
Có cùng quan điểm, TS. Trần Du Lịch cho rằng, trước bối cảnh đồng USD, CNY biến động mạnh, nguyên tắc điều hành tỷ giá của ngân hàng Nhà nước cần linh hoạt hơn. Sự linh hoạt này có cả yếu tố tác động bên trong và bên ngoài nhưng theo chủ trương không phá giá VND và giữ tỷ giá ở mức hợp lý, phù hợp với điều kiện nội tại của Việt Nam, đó là hỗ trợ cho xuất khẩu, sản xuất hàng hóa để đạt tỷ lệ nội địa hóa cao.
TS. Trần Du Lịch nhận định, từ nay đến cuối năm tỷ giá sẽ không biến động đột biến, duy trì ở mức 2% là hợp lý và có thể chấp nhận được. Nếu vượt qua ngưỡng này, Ngân hàng Nhà nước sẽ can thiệp bằng cách tăng cung ngoại tệ, vì hiện nay đơn vị này có nguồn dự trữ đủ để can thiệp vào thị trường ngoại tệ.
Với việc kiểm soát tỷ giá có định hướng, doanh nghiệp có thể tính toán kế hoạch kinh doanh của mình ở mức dự báo, không có một rủi ro nào về tỷ giá mà không lường trước được.
Trước những lo ngại tỷ giá có thể tiếp tục biến động trong thời gian tới, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đơn vị sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước, tiếp tục thực hiện mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ đã đặt ra từ đầu năm nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, công cụ chính sách tiền tệ để thực hiện mục tiêu trên. Trong đó, tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với tình hình thị trường trong và ngoài nước, phối hợp với các công cụ khác và sẵn sàng bán ngoại tệ khi cần thiết để ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô./.