Đến 9h30 sáng nay, Tập đoàn DOJI niêm yết giá mua bán vàng SJC tại 36,61 – 36,71 triệu đồng. Giá này giảm 40.000 đồng ở chiều mua và bán so với phiên hôm qua.
Tương tự, giá tại Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) niêm yết quanh mốc 36,6 triệu và giá bán về sát 36,78 triệu một lượng. Biên độ mua bán duy trì quanh 180.000 đồng.
Trên thị trường thế giới, giá chốt ngày 28/6 giảm khoảng 4 USD, xuống sát 1.249 USD. Đến sáng nay tại phiên châu Á, giá đang duy trì quanh mức này. Quy ra tiền Việt, mỗi lượng tương đương 34,62 triệu đồng một lượng, chưa thuế, phí, gia công. Chênh lệch giữa hai thị trường hiện vào khoảng 2,1 triệu đồng.
Những sự kiện kinh tế chính trị quan trọng trong tháng 6 như Hội nghị thượng đỉnh Mỹ -Triều Tiên, hay Cục Dự trữ liên bang Mỹ tăng lãi suất… đã tác động tiêu cực đến vàng. Hiện tại, giá vàng thế giới chỉ còn ở mức 1.247 đôla Mỹ, giảm mạnh hơn 50 USD, tương đương mức giảm gần 4% và cũng là mức giá thấp nhất trong hơn 6 tháng qua.
Tập đoàn DOJI nhìn nhận, thị trường vàng trong nước gần đây khá trầm lắng, nhà đầu tư không mấy mặn mà khi giá vàng quốc tế liên tục giảm và thiết lập những đáy mới. Thị trường chững lại, các nhà đầu tư chờ đợi thêm diễn biến rõ ràng hơn ở những phiên tiếp theo. Tham gia thị trường chủ yếu vẫn là các hoạt động mua bán nhỏ lẻ, theo nhu cầu thực tế.
Trên thị trường ngoại hối, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố sáng nay là 22.650 đồng một USD, giảm 5 đồng. Tuy nhiên, giá USD tại ngân hàng thương mại lại tiếp tục tăng. Theo đó, Vietcombank công bố giá mua bán đôla Mỹ lúc 10h sáng là 22.920 – 22.990 đồng, tăng 15 đồng so với hôm qua. Các ngân hàng khác có giá tương tự.
Sau khi chững lại vài ngày, giá USD ngân hàng tiếp tục tăng mạnh mấy phiên gần đây và đạt mốc cao nhất từ đầu năm đến nay.
Trao đổi với VnExpress về diễn biến này, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc tỷ giá USD/VND tăng mấy ngày gần đây là sự điều chỉnh bình thường của thị trường, phụ thuộc cung cầu ngoại tệ từng thời điểm. Ông cho biết, qua báo cáo của các ngân hàng thương mại, thời gian gần đây có ghi nhận nhu cầu ngoại tệ để thanh toán tiền hàng của một số doanh nghiệp.
“Tuy nhiên, nhu cầu này không lớn trong khi thanh khoản của các ngân hàng khá dồi dào”, ông nói và cho biết Ngân hàng Nhà nước vẫn đang theo dõi sát tình hình thị trường và chưa cần thiết phải can thiệp.