Khó xảy ra ảnh hưởng với thị trường chứng khoán Việt Nam
Ông Phạm Lưu Hưng, Phó Giám đốc Bộ phận Phân tích và Tư vấn đầu tư khách hàng tổ chức của Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn (SSI):
Biến động của tỷ giá tại thị trường chính thức (tỷ giá bán Vietcombank) ngày 18/6 ở mức 22.865 đồng, tăng 0,57% so với đầu năm và cũng không phải là mức cao nhất của năm 2018. So với các nước trong khu vực, đồng VND vẫn ở mức rất ổn định (mạnh hơn các đồng tiền của Thái Lan, Philippines, Indonesia, tương đương Singapore).
Các yếu tố vĩ mô khác đều rất tích cực như tăng trưởng kinh tế cao, dòng tiền từ đầu tư trực tiếp hay gián tiếp nước ngoài đều gia tăng, kiều hối ổn định, xuất siêu và cán cân tổng thể và cán cân vãng lai đều thặng dư và dự trữ ngoại hối ở mức cao (64 tỷ USD) cho thấy Việt Nam đã ở vị thế tốt hơn rất nhiều so với trước đây trong việc đương đầu với việc FED tăng lãi suất.
Ngoài ra, nợ nước ngoài của Việt Nam vẫn duy trì ở mức 50% GDP và các nhà đầu tư nước ngoài chỉ nắm giữ khoảng 5% tổng danh mục trái phiếu Chính phủ của Việt Nam. Do đó, khó xảy ra khả năng thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK VN) bị ảnh hưởng mạnh như một số nước trong khu vực.
Tính đến thời điểm này của tháng 6, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng khoảng 83 triệu USD trên HOSE. Tuy nhiên nếu tính từ đầu năm, nhà đầu tư nước ngoài vẫn ở vị thế mua ròng khoảng 1,47 tỷ USD. Với mức độ mất giá hiện tại của VND ở mức quá thấp, rất khó đánh giá đến xu hướng mua ròng/bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài thời điểm này. Các yếu tố khác như định giá cổ phiếu, tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp… sẽ đóng vai trò quan trọng hơn với nhà đầu tư nước ngoài, hơn là mức biến động của tỷ giá.
Biên độ biến động của tỷ giá có thể vẫn chỉ nằm trong biên độ 1 – 2% trong năm 2018, theo đúng định hướng chính sách của Chính phủ, do trong thời điểm hiện tại không có những diễn biến xấu ngoài vùng kiểm soát.
TTCK VN có dư địa và thời gian tìm câu chuyện của riêng mình
Ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám Đốc CTCP Tư vấn Đầu tư Biên An Toàn, Trưởng phòng môi giới CTCP Chứng Khoán Vndirect (VND):
TTCK toàn cầu nói chung và chứng khoán Việt Nam nói riêng đã bước vào một thời kỳ khá khó chịu, tăng giảm bất thường và bị tác động vĩ mô rất lớn. Trọng yếu nhất vẫn là chính sách thắt chặt của FED kéo dài tới 2019: lãi suất cơ bản quanh 2,5% tới 3% và lạm phát quanh 2%.
Tuy nhiên những đặc tính của những thị trường như EU và Nhật lại không giống Mỹ, các khu vực này chưa ổn định và còn tăng trưởng yếu nên sẽ duy trì chính sách nới lỏng ít nhất là hết năm 2018. Điều này sẽ giúp làm chững lại hoặc giảm tải áp lực thoái vốn lên nền kinh tế Việt Nam và thị trường chứng khoán. Do đó TTCK VN có dư địa và thời gian để thích ứng và tìm câu chuyện riêng cho mình.
TTCK VN cũng chứng kiến một đợt bán ròng của các quỹ lớn như ETF, P-note khá rõ, giá trị cũng tương đối lớn so với thanh khoản chung của thị trường (khoảng 7.000 tỷ đồng). Tuy nhiên theo quan sát, thanh khoản USD dồi dào đến từ khối FDI và dự trữ ngoại hối vẫn đủ sức đáp ứng nhu cầu này mà không gây ra biến động lớn.
Hiện tại các dấu hiệu cho thấy các quỹ vẫn tiếp tục rút tiền khỏi TTCK VN nhưng quy mô cũng đang giảm tương đối so với đợt cao điểm. Thời gian tới, chuyện này có thể được kìm hãm bởi tổng thể vĩ mô vẫn còn đủ hấp dẫn, giá cổ phiếu đã giảm trong thời gian qua.
Từ nay đến cuối năm 2018, TTCK VN sẽ có những điểm sáng nhất định như khởi động lại các thương vụ thoái vốn, cổ phần hóa; kiểm soát tốt hơn dòng vốn tín dụng vào bất động sản; thanh khoản ngân hàng dưa thừa, Ngân hàng Nhà nước vẫn đủ sức duy trì mặt bằng lãi suất thấp. Vì vậy, khối ngoại khả năng sẽ mua ròng trở lại. Tỷ giá từ đây tới cuối năm sẽ tăng nhẹ và biên độ quanh 2% là hợp lý.
Tỷ giá sẽ vẫn trong tầm kiểm soát
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư CTCP Chứng khoán Maybank – Kim Eng:
FED đã bắt đầu tăng lãi suất từ tháng 12/2015 nhưng với tốc độ chậm, mức độ nhanh hơn trong năm 2017 đến nay nhưng tỷ giá tại Việt Nam dù có phản ứng cũng chỉ vài ngày rồi trở về ổn định. Tuy nhiên thị trường chứng khoán có vẻ phản ứng xấu hơn. Điều này bắt đầu mạnh hơn từ đầu năm 2018 dù các năm trước không bị ảnh hưởng nhiều bởi yếu tố FED.
Từ đầu năm 2018, khối ngoại bắt đầu rút ròng với tốc độ có phần gia tăng các tháng sau đó (không chỉ Việt Nam mà còn ở các thị trường mới nổi). Lý do các năm trước dù FED tăng lãi suất nhưng USD tương đối ổn định (có thời điểm đi xuống) nhưng chính thức bật tăng trở lại vào đầu 2018 do độ trễ chính sách của FED cũng như việc tăng này vốn đã có lộ trình.
Như vậy việc FED tăng lãi suất với tần suất cao hơn rõ ràng là tác động xấu đến các thị trường khác không chỉ riêng chứng khoán mà giá vàng, dầu, thậm chí cả Bitcoin đều bị giảm. Đồng USD mạnh lên ảnh hưởng trực tiếp nhất đến dòng vốn các NĐT quốc tế, tác động tới tâm lý thị trường chứng khoán cũng như các nhà đầu tư trong nước.
Lực bán ròng của khối ngoại vẫn chưa dừng lại, mới nhất là tỷ trọng của 2 quỹ ETFs là FTSE và VNM đều giảm trong kỳ cơ cấu trong tuần trước. Xu hướng này trong ngắn hạn khó có thể thay đổi trong bối cảnh kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng.
Các yếu tố như dòng vốn ngoại, tỷ giá, lãi suất nhiều quốc gia trên thế giới ngoài FED đang tăng như Ấn Độ, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina… nhiều khả năng tác động đến lãi suất tại Việt Nam. Các doanh nghiệp chắc chắn cần có kế hoạch sử dụng vốn tốt hơn và điều này tác động tới giá cổ phiếu, ngoài ra các thị trường khác như ngoại hối, BĐS, tiết kiệm cũng có thể bị ảnh hưởng từ đó tác động qua chứng khoán.
Về diễn biến tỷ giá từ nay tới cuối năm, khả năng tỷ giá vẫn nằm trong tầm kiểm soát nhưng với mức độ tăng nhẹ chứ không mất giá mạnh như các quốc gia tăng lãi suất kể trên. Bởi vì VND được neo vào USD nên USD tăng giá phần nào kéo theo VND tăng so với các đồng tiền khác nên nhiều khả năng VND chỉ mất giá nhẹ so với USD.