Sau 8 lần điều chỉnh, cuối giờ chiều nay, tỷ giá VNĐ/USD bán ra tại Ngân hàng SCB là 23.500 đồng/USD (bán ra), tăng 100 đồng/USD so với mở cửa đầu giờ sáng và tăng 270 đồng so với giữa tuần qua (ngày 10/3).
Ngân hàng TMCP ACB cũng có một ngày mỏi tay điều chỉnh tỷ giá với số lượt điều chỉnh lên tới 38 lần (chủ yếu là giảm giá các ngoại tệ khác và tăng giá USD). Cuối giờ chiều nay, tỷ giá VNĐ/USD bán ra tại ACB là 23.480 đồng/USD, tăng 180 đồng/USD so với mở cửa sáng nay.
Tương tự, tại Sacombank, sau 9 lần điều chỉnh trong ngày, giá USD bán ra trước khi đóng cửa chiều nay lên tới 23.510 đồng/USD, tăng 163 đồng/USD so với đầu giờ sáng.
Tại ngân hàng TMCP Vietcombank, sau nhiều lần điều chỉnh, giá USD bán ra trước giờ đóng cửa chiều nay ở mức 23.495 đồng/USD, tăng 125 đồng/USD so với đầu giờ sáng.
Tính riêng tỷ giá USD, hôm nay, hầu hết các ngân hàng đã phải điều chỉnh 8-10 lần, còn nếu tính cả các ngoại tệ khác, bảng điện tử tỷ giá của nhiều ngân hàng đã cập nhật 30-60 lần trong ngày – một con số hiếm thấy. Trong bảng điều chỉnh tỷ giá, hầu như chỉ USD đi lên, trong khi các đồng tiền khác như euro, yên Nhật, đô la Úc, đô la Canada, đô la Singapore… đều đi xuống.
Như vậy, so với giữa tuần qua (trước khi Fed hạ lãi suất), tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại đã tăng khoảng 250 đồng/USD, tức tăng hơn 1%. Trên thị trường tự do, giá USD đã lên tới gần 23.600 đồng/USD.
Mặc dù tăng mạnh song giá USD bán ra tại các ngân hàng vẫn cách xa trần. Sáng nay, tỷ giá trung tâm cũng đã được NHNN tăng 10 đồng lên 23.242 đồng đổi 1 USD. Tính từ đầu tuần, tỷ giá trung tâm đã tăng hơn 30 đồng. Với biên độ +/-3%, tỷ giá mua tối thiểu hiện ở mức 23.175 đồng và bán ra tối đa ở mức 23.889 đồng/USD.
Giá USD trong nước tăng mạnh cùng chiều với sự biến động của các đồng ngoại tệ mạnh trên thế giới. Cụ thể, đêm qua (rạng sáng nay giờ Việt Nam), chỉ số USD Index (thước đo sức mạnh của đồng USD) có lúc vọt lên 102 điểm, đây cũng là mức tăng mạnh nhất trong vòng 3 năm của đồng tiền này so với một số loại tiền tệ chủ chốt khác.
Phân tích với báo Đầu tư, TS. Bùi Quang Tín, chuyên gia ngân hàng cho rằng, Fed hạ lãi suất nhưng so sánh trong tương quan với các đồng tiền khác, lãi suất USD vẫn còn cao (0% trong khi hàng loạt quốc gia duy trì lãi suất âm). Đây là nguyên nhân chính khiến đồng bạc xanh tăng giá.
Dịch bệnh đang lan rộng với tốc độ chóng mặt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu. Hàng loạt quốc gia đã phải cắt giảm lãi suất, bơm các gói cứu trợ khổng lộ nhằm cứu nền kinh tế thoát khỏi khủng hoảng. Thậm chí, nhiều chuyên gia tin rằng, khủng hoảng kinh tế do Covid 19 hiện nay còn nặng nề hơn khủng hoảng tài chính 2007-2009.
Tâm lý hoảng sợ lan rộng khiến nhà đầu tư không chỉ bán tháo chứng khoán mà ngay cả vàng – hầm trú ẩn an toàn- cũng rớt giá mạnh. Các thị trường tài sản đều lao dốc khi nhà đầu tư chỉ còn niềm tin vào tiền mặt, đặc biệt là USD.
Trước diễn biến của thị trường sau khi Fed hạ lãi suất, ông Phạm Thanh Hà – Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) khẳng định: “Với kinh nghiệm điều hành trong điều kiện thị trường biến động những năm qua, NHNN hiện có đủ năng lực, nguồn lực, công cụ cũng như các phương án cần thiết để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu; điều hành ổn định lãi suất và tỷ giá, sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp khi cần thiết, đảm bảo thị trường tiền tệ, ngoại tệ hoạt động thông suốt”.
T.L