Nhiều dự báo cho rằng tỷ giá có thể sẽ tăng 2% trong năm nay, thậm chí có thể trên mức này nếu xảy ra biến động bất ngờ.
Tỷ giá diễn biến tăng
Cuối tuần qua (9-6), NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm của VNĐ so với USD ở mức 22.558 đồng, giảm 4 đồng so với phiên trước đó. Tuy nhiên, tỷ giá tại các NHTM đã được điều chỉnh tăng. Vietcombank niêm yết ở mức 22.765-22.835 đồng/USD, tăng 10 đồng ở cả chiều mua và bán.
Tương tự, VietinBank tăng 10 đồng ở cả chiều mua vào và bán ra lên mức 22.753/22.833 đồng/USD. Tại DongABank và Eximbank, tỷ giá cũng được điều chỉnh với mức tăng 10 đồng lần lượt niêm yết ở mức 22.770-22.840 và 22.750-22.840 đồng/USD. Sacombank tăng đến 12 đồng ở chiều mua vào và 15 đồng ở chiều bán ra, lên mức 22.770/22.855 đồng/USD.
Một vài NH không điều chỉnh hoặc điều chỉnh giảm tỷ giá song giá niêm yết vẫn dao động trong khung này, như ACB giao dịch với mức 22.770/22.840 đồng/USD, Techcombank đi ngược thị trường khi giảm 5 đồng ở giá mua vào và bán ra, hiện đang ở mức 22.745-22.855 đồng/USD. Trên thị trường tự do, giá USD mua vào 22.850 đồng/USD và bán ra 22.870 đồng/USD, tăng 5 đồng mua vào và tăng 15 đồng bán ra.
Năm 2017, tỷ giá USD/VNĐ diễn biến khá ổn định, khi cuối năm tỷ giá trung tâm tăng khoảng 1,5-1,7% so với đầu năm. Trong khi đó, tỷ giá NHTM giảm khoảng 0,2%, thị trường tự do giảm khoảng 1,5% so với đầu năm. Thời điểm đầu năm 2018, tỷ giá trung tâm ở mức 22.405 đồng/USD, giá USD tại Vietcombank giao dịch ở mức 22.675-22.745 đồng/USD. Đồng thời tỷ giá tự do niêm yết ở mức 22.700-22.720 đồng/USD.
Như vậy, trong hơn 5 tháng qua, tỷ giá tại các NHTM và tỷ giá tự do đã đảo chiều so với năm ngoái. Tỷ giá trung tâm tăng gần 0,7%, còn tỷ giá tại các NHTM tăng 0,4%, tỷ giá tự do tăng hơn 0,6% so với đầu năm.
Trong một báo cáo mới đây, NHNN cho biết tuần cuối tháng 5, lãi suất bình quân trên thị trường liên NH có xu hướng tăng nhẹ ở hầu hết kỳ hạn chủ chốt. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 1 tháng tăng lần lượt 0,01%/năm, 0,04%/năm và 0,19%/năm, lên mức 1,76%/năm, 1,84%/năm và 2,19%/năm. Theo đó, lãi suất vay USD qua đêm, 1 tuần và 2 tuần đã cao hơn lãi suất vay VNĐ trên liên NH. Như vậy, dù chưa có biến động lớn nhưng đang có nhiều sức ép đối với tỷ giá trong nước.
NHNN vẫn đang chủ động
Nhiều dự báo cho rằng tỷ giá năm 2018 sẽ tiếp tục ổn định do nhiều yếu tố hỗ trợ. Đó là cán cân thương mại có khả năng tiếp tục thặng dư do kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu tại các nước mới nổi và đang phát triển tiếp tục xu thế tăng so với năm trước. Dòng vốn nước ngoài vẫn có xu hướng tích cực.
Trong bối cảnh lãi suất thấp tại các nền kinh tế phát triển, dòng vốn đang có xu hướng chảy vào các khu vực kinh tế mới nổi và đang phát triển để tìm kiếm lợi nhuận cao hơn. Tuy nhiên, tần suất tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) trong năm 2018 dự báo sẽ nhiều hơn, tạo kỳ vọng đồng USD tăng giá trở lại.
Những biến động của tỷ giá đã được các chuyên gia khuyến cáo cơ quan quản lý phải dè chừng để tránh tác động tiêu cực. Trong một báo cáo mới đây, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), nhận định thị trường tiền tệ thế giới đã ghi nhận diễn biến trái chiều rất đáng quan ngại giữa đồng USD và EUR. Trong suốt 6 tuần qua, tỷ giá EUR/USD đã giảm gần 6%, trong khi chỉ số USD Index tăng trên 5%.
Hiện tượng từ bỏ rủi ro (các nhà đầu tư cố gắng giảm rủi ro bằng cách bán các tài sản rủi ro hiện tại và chuyển thành tiền mặt hoặc các tài sản có rủi ro thấp) đang diễn ra, đã tạo sức ép lớn lên đồng tiền của các quốc gia mới nổi, đáng chú ý là khu vực ASEAN. Trong bối cảnh đó, VNĐ vẫn là đồng tiền ổn định nhất so với các quốc gia trong khu vực. Rõ ràng, NHNN đang điều hành đồng tiền một cách chủ động. Tuy nhiên, VNĐ vẫn dễ bị tổn thương trước những rủi ro từ bên ngoài.
VDSC cũng dự báo tỷ giá USD/VNĐ năm nay có thể sẽ tăng 1,5-2% nhưng cũng kèm thêm thông tin về những rủi ro có thể khiến VNĐ mất giá mạnh hơn mức này. Đầu tiên, theo nghiên cứu từ Moody’s, Việt Nam xếp thứ 4 trong danh sách các nước châu Á tiềm ẩn rủi ro nợ nước ngoài cao nhất. Chỉ số tổn thương của Việt Nam (tính bằng tỷ lệ giữa tổng khoản nợ nước ngoài ngắn hạn, khoản nợ nước ngoài dài hạn đến hạn và tiền gửi của người nước ngoài với kỳ hạn trên 1 năm so với tổng dự trữ ngoại hối quốc gia) đạt 50,9%.
Do đó, điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt sẽ khiến chi phí trả nợ nước ngoài của quốc gia trở nên đắt đỏ hơn. Đáng chú ý, tỷ lệ dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện đạt 63 tỷ USD, cũng chỉ đảm bảo khoảng 3,5 tháng nhập khẩu, mức thấp nhất giữa các quốc gia trong khu vực. Điều này cảnh báo những sức ép và tác động tiêu cực tới tiền đồng.
Bên cạnh đó, khoản mục lỗi và sai sót trong cán cân thanh toán tổng thể, hiện tại tương đương 27% tổng dự trữ ngoại hối, cũng là vấn đề đáng quan tâm. Vào năm 2009, giá trị khoản mục này lên tới 12,8 tỷ USD, và đây có thể là một trong những nguyên nhân chính khiến tỷ giá bật tăng mạnh trong 2 năm sau đó.
Về tác động ngoại cảnh, việc thắt chặt điều kiện tài chính sẽ đáng lo ngại khi FED sẽ tiếp tục kế hoạch bình thường hóa. Trong phiên họp sắp tới vào ngày 12 và 13-6, thị trường kỳ vọng FED sẽ tăng mức lãi suất tham chiếu thêm 0,25%. Rất có thể vùng lãi suất của FED sẽ đạt 1,75-2% vào cuối năm nay, sẽ ảnh hưởng đến thị trường ngoại hối trong nước.