Theo Quyết định số 227 ban hành ngày 26.7, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố: 1 USD tương ứng với 22.649 VND. Như vậy, so với ngày 25.7, mỗi USD bán ra đã được điều chỉnh giảm 5 đồng.
Trên thị trường tự do, trao đổi với Thanh Niên đầu giờ sáng 26.7, một “đầu mối” tại phố “chợ đen” Hà Trung (Hà Nội) cho biết, 1 USD bán ra là 23.345 đồng và mua vào 23.350 đồng. Mức này đã giảm khoảng 45 – 50 đồng/USD so với chiều hôm qua, 25.7 (mua vào – bán ra tương ứng 23.380 – 23.500 VND/USD).
Trên thị trường chính thức, các ngân hàng cũng bắt điều chỉnh giảm nhẹ giá bán. Sacombank mua vào 23.205 đồng/USD và bán ra 23.120, giảm khoảng 35 – 40 đồng so với ngày hôm trước. Eximbank mua 23.130 đồng và bán 23.230 đồng. Vietcombank mua vào 23.160 đồng và bán ra 23.240 đồng/USD.
Như vậy, so với mức đỉnh khoảng 23.500 đồng/USD trên thị trường tự do và khoảng 23.300 đồng/USD thị trường chính thức, sau khi có sự điều tiết tỷ giá trung tâm, giá đồng bạc xanh này đã hạ nhiệt khá nhanh. Với tỷ giá trung tâm, tỷ giá giao dịch hàng ngày sẽ biến động phù hợp hơn với cung cầu thị trường, khó xảy ra trường hợp điều chỉnh mạnh. Dù tình trạng đầu cơ vẫn có thể xảy ra nhưng sẽ ở quy mô thấp hơn, do việc dự báo của giới đầu cơ sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều khi tỷ giá hối đoái biến động hàng ngày.
Trên thị trường thế giới, đầu phiên giao dịch ngày 26.7 (giờ Việt Nam), chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đứng ở mức 94,49 điểm.
Theo các chuyên gia, việc tỷ giá biến động mạnh theo chiều tăng là khó có thể xảy ra. Bởi với nguồn lực dự trữ ngoại hối dồi dào, Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có thể can thiệp vào thị trường. Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã giữ vững cam kết khi bán ra hơn 2 tỉ USD, sau đó đã dừng bán và điều tiết bằng tỷ giá trung tâm.