Đối tác bắt đầu ép giá
Theo khảo sát của phóng viên Thời báo Ngân hàng, sau diễn biến giảm giá liên tục với mức độ khá lớn của đồng RMB so với đồng USD trong thời gian gần đây, đã có trường hợp thương lái hoặc DN Trung Quốc đặt vấn đề giảm giá mua hàng nông sản của Việt Nam với lý do họ phải bỏ nhiều tiền hơn để mua USD thanh toán cho hợp đồng nhập khẩu, do thương mại chính ngạch Việt – Trung vẫn sử dụng thanh toán bằng USD.
Ông Nguyễn Đức Thanh – Chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas) cho hay, vừa qua đã có một số hợp đồng xuất khẩu hạt điều sang Trung Quốc bị đối tác “ép” giảm giá 3%. Với giá điều xuất sang Trung Quốc trung bình khoảng 9.500 USD/tấn (trong 6 tháng đầu năm 2018) thì việc bị ép giá 3% cũng gây ra thiệt hại cho các DN Việt, bởi Trung Quốc hiện vẫn là thị trường nhập khẩu điều lớn thứ hai của Việt Nam với số lượng nhập khẩu 6 tháng đầu năm khoảng 177,2 triệu tấn, chiếm 35% tổng kim ngạch xuất khẩu điều cả nước.
Tuy nhiên, việc đối tác ép giá như vậy không nhiều, theo đại diện Vinacas, việc này mới chỉ xuất hiện trong một tháng gần đây khi đồng RMB mất giá mạnh so với đồng USD.
Hiện giá điều xuất khẩu sang Trung Quốc đang thấp hơn khoảng 200-300 USD/tấn so với các thị trường khác, trong các tháng 5 và tháng 6/2018 giá xuất khẩu sang thị trường này đã giảm trung bình 8,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Do vậy, việc tiếp tục đàm phán giảm giá là khó có khả năng được các DN xuất khẩu Việt Nam chấp thuận, nhất là trong bối cảnh ngành điều đang sử dụng song song nguyên liệu nhập khẩu và nguyên liệu trong nước chế biến xuất khẩu. Hơn nữa, hạt điều Việt Nam được quốc tế đánh giá là hầu như không có đối thủ cạnh tranh tại thị trường Trung Quốc.
Ở các ngành hàng nông sản khác, những lo ngại về việc bị đối tác Trung Quốc ép giá cũng đã xuất hiện nhưng không lớn. Ông Nguyễn Văn Ngọc – Giám đốc DN xuất nhập khẩu Cờ Đỏ cho rằng, phía Trung Quốc đã bắt đầu giảm giá mua gạo tại Việt Nam khoảng 1%. Đối với các DN có tỷ trọng xuất hàng sang Trung Quốc không lớn thì không bị ảnh hưởng nhiều, nhưng nếu đồng RMB tiếp tục giảm so với USD, tình trạng chững mua sẽ lớn hơn.
Trong khi đó ở ngành trái cây, ông Nguyễn Lâm Viên – Chủ tịch CTCP Vinamit, một DN xuất khẩu trái cây sấy khô hàng đầu sang Trung Quốc lại cho rằng, việc đồng RMB mất giá tuy có lo ngại về sức ép giảm mua hàng nhưng khó khăn và thiệt hại lớn hơn đối với DN xuất khẩu lại là vấn đề rào cản thương mại. “Với căng thẳng thương mại Mỹ – Trung, rất có thể mặt hàng bánh yến mạch Vinamit xuất sang Trung Quốc sẽ gặp khó vì họ nghi ngờ mình nhập từ Mỹ. Ngược lại khoai tây, khoai lang xuất sang Mỹ sẽ phải bị “soi” kỹ hơn về nguồn gốc”, ông Viên nói.
Đủ căn cứ chủ động tỷ giá
Thế nhưng trong khi nỗi lo của các DN xuất hàng sang Trung Quốc không lớn, thì nỗi lo hàng Trung Quốc tràn vào Việt Nam lại đang lớn dần theo sự giảm giá của đồng RMB.
Theo khuyến nghị của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) trong bối cảnh đồng RMB mất giá quá nhiều so với đồng USD, NHNN Việt Nam nên theo đuổi chính sách tỷ giá mềm dẻo, linh hoạt. Theo đó từ nay đến cuối năm 2018 tỷ giá VND/USD nên được điều chỉnh tăng khoảng 2-3% nhằm hạn chế hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc tràn sang Việt Nam đồng thời vẫn hỗ trợ được các DN xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Kiến nghị của VEPR được khá đông giới phân tích tài chính tán thành. Tuy nhiên, đặt câu chuyện giảm giá VND dưới góc nhìn tổng thể của nền kinh tế, một số chuyên gia tài chính cho rằng NHNN cần hết sức thận trọng.
Ông Trần Bá Duy – chuyên gia phân tích tại CTCP Chứng khoán VNDirect cho rằng, đến thời điểm hiện tại NHNN vẫn kiểm soát được các chỉ số cơ bản như lạm phát mục tiêu 4% trong năm 2018. Hiện lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng vẫn ở mức 6-7%/năm, đủ bù trừ tỷ lệ lạm phát, để tạo vị thế cho VND. Trong khi cán cân vãng lai, cán cân thanh toán tổng thể vẫn thặng dư; dự trữ ngoại hối đạt 63,5 tỷ USD giúp NHNN có thể chủ động điều tiết thị trường ngoại hối…
Cân nhắc lợi và thiệt cho nền kinh tế trong trường hợp NHNN điều chỉnh tăng tỷ giá VND/USD, ông Duy cho rằng, khi giảm giá tiền đồng 3% sẽ tạo áp lực lên lạm phát. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh tỷ giá liên tục cũng sẽ gây tâm lý bất ổn cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, từ đó ảnh hưởng đến khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Xem xét trong các cân đối vĩ mô, ông Duy cho rằng mặc dù thị trường đang có sự kỳ vọng vào việc giảm giá tương đối của VND so với USD. Tuy nhiên, NHNN chỉ nên giữ mức độ giảm giá của VND khoảng 1,5% trong năm nay.