Thanh khoản dồi dào nhờ lượng cung ứng tiền ròng lớn
Theo báo cáo tình hình kinh tế tài chính của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (UBGSTCQG), NHNN mua được lượng lớn ngoại tệ trong nửa đầu năm 2018 và cung ứng tiền ròng khoảng gần 210.000 tỷ đồng từ đầu năm đến nay.
Đây là một trong các yếu tố hỗ trợ thanh khoản của hệ thống TCTD tương đối dồi dào. Lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp. Tính đến ngày 25/6/2018, lãi suất kỳ hạn qua đêm ở mức 1%, còn lãi suất 1 tháng là 1,6%, giảm khoảng 0,7-0,8 điểm % so với cuối tháng trước và giảm khoảng 1,6-2 điểm % so với cùng kỳ năm trước.
Trên thị trường dân cư, lãi suất tương đối ổn định. Theo báo cáo của các TCTD, lãi suất huy động VND dao động ở mức 4,2%-8%, bình quân khoảng 5,2%. Lãi suất cho vay bằng đồng nội tệ ở mức 7-11%, lãi suất cho vay USD ở mức 2,4-7%, tương đương bình quân khoảng 8,8%. Một số ngân hàng giảm lãi cho các lĩnh vực ưu tiên và khách hàng tốt, mức giảm khoảng 0,5%.
Vốn huy động của hệ thống TCTD tăng trưởng mạnh hơn so với cùng kỳ năm 2017. Đến cuối tháng 6/2018, tổng vốn huy động từ tổ chức kinh tế và cá nhân tăng khoảng 8% so với cuối năm 2017, trong khi cùng kỳ năm 2017 tăng 6,8%.
Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng chậm hơn so với cùng kỳ năm 2017. Đến cuối tháng 6/2018, tín dụng tăng khoảng 6,5% so với cuối năm 2017, trong khi cùng kỳ tăng 8,7%.
Trong nửa đầu năm, tốc độ tăng vốn huy động hiện đang cao hơn đáng kể so với tăng trưởng tín dụng.
Nửa đầu năm, VND mất giá 1,12% so với USD
Sau hơn một năm không mấy biến động, tỷ giá VND/USD đã tăng nhanh từ cuối tháng 5/2018, ban đầu trên thị trường tự do sau đó đến tỷ giá yết tại các ngân hàng.
Một trong các nguyên nhân tác động trực tiếp vào tỷ giá là đồng USD đồng loạt tăng so với nhiều đồng tiền. Trong đó, tỷ giá giữa đồng nhân dân tệ và USD tăng mạnh sau quyết định nâng lãi suất của Fed hồi trung tuần tháng 6 có thời điể lên 7,3 CNY/USD, từ mức 6,388 CNY/USD.
Trước những biến động khá bất thường của tỷ giá hồi đầu tháng 7, NHNN phát đi tín hiệu sẵn sàng bán ngoại tệ để can thiệp thị trường. Tỷ giá bán VND/USD hiện là 23.070 đồng/USD, tăng thêm 80 đồng/USD so với thời điểm cuối tháng 6.
Diễn biến tỷ giá VND/USD
So với thời điểm đầu năm, tỷ giá VND/USD cuối quý II đã tăng 1,12%. Tuy nhiên, tỷ giá VNE/EUR, VND/JPY lại giảm đáng kể trong quý II vừa qua. Đồng tiền của nhiều quốc gia đã mất giá nhiều so với USD trong thời gian trước đây. VND mất giá khá khiêm tốn.
Theo đánh giá của UBGSTCQG, 6 tháng đầu năm qua, kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng tốt nhờ sự ổn định của thị trường lao động, tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp. Song các nền kinh tế lớn như EU, Nhật Bản, Trung Quốc có dấu hiệu tăng trưởng suy giảm. Theo cơ quan này, kinh tế Châu Âu tăng trưởng có dấu hiệu giảm tốc do sản xuất công nghiệp tăng chậm hơn dự báo và hoạt động kinh doanh giảm. Trung Quốc cũng bắt đầu xuất hiện dấu hiệu tăng trưởng chậm lại khi tốc độ tăng trưởng của xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng đều giảm so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại đang leo thang giữa Trung Quốc và Mỹ cũng là yếu tố có thể khiến tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại.
Những thách thức đối với tăng trưởng toàn cầu trong giai đoạn hiện nay từng được Worldbank chỉ ra. Điều đầu tiên chính là việc chủ nghĩa bảo hộ gia tăng làm leo thang căng thẳng thương mại. Cùng đó, chính sách tiền tệ dần thắt chặt tại các nước phát triển sẽ khiến các nước đang phát triển đối mặt với việc rút vốn và đồng tiền mất giá. Kinh tế tăng trưởng tốt của Mỹ đã tạo tiền đề để Fed vừa tăng lãi suất lần 2 trong năm 2018 và có thể tăng lãi suất thêm 2 lần nữa trong năm nay.
Theo thống kê của UBGSTCQG, tại phần lớn các thị trường chứng khoán mới nổi châu Á, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng từ 0,9 tỷ USD đến 8,9 tỷ USD tùy theo từng nước. Trên TTCK Việt Nam, từ 21/5 đến cuối tháng 6, khối ngoại bán ròng cổ phiếu trị giá 151 triệu USD.
Tuy nhiên, trong nửa đầu năm 2018, dòng vốn ngoại vào TTCK Việt Nam tích cực hơn so với các thị trường khu vực châu Á. Lũy kế 6 tháng, khối ngoại mua ròng 1,6 tỷ USD trên thị trường Việt Nam.