Mặc dù mới được ban hành 1 năm song Nghị định 85/2010/NĐ-CP về xử phạt VPHC trong lĩnh vực chứng khoán (CK) và thị trường chứng khoán (TTCK) đã sớm lạc hậu. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đang khẩn trương hoàn thành Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định để báo cáo Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành. Xung quanh bản dự thảo mới nhất, bà Vũ Thị Chân Phương – Chánh Thanh tra UBCKNN- cho biết:
Nghị định 85 ra đời đóng vai trò quan trọng trong việc xử lý vi phạm pháp luật về CK và TTCK.
Tuy nhiên, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CK được Quốc hội thông qua ngày 24/11/2010 đã bổ sung một số quy định mới, như: quy định về quản lý hoạt động chào bán CK riêng lẻ đối với Cty đại chúng; quy định nghĩa vụ của tổ chức phát hành là Cty đại chúng phải thực hiện cam kết đưa CK chào bán vào giao dịch trên thị trường giao dịch CK,…
Do đó, mục đích lần sửa đổi này là nhằm đảm bảo tính khả thi của Luật CK, đảm bảo khả năng bao quát, xử lý nghiêm minh, công bằng và minh bạch các hành vi vi phạm trên thị trường; giữ vững sự ổn định, an toàn cho hoạt động của TTCK, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường.
Trong lần sửa đổi này, những trường hợp nào được coi là vi phạm và mức xử phạt đối với các vi phạm này tối đa là bao nhiều, biện pháp khắc phục hậu quả thế nào, thưa bà?
Nghị định sửa đổi, bổ sung lần này bổ sung nhiều hành vi vi phạm trong lĩnh vực CK và TTCK. Chẳng hạn, đối với hành vi vi phạm về hoạt động chào bán CK riêng lẻ, gồm: hành vi lập, xác nhận hồ sơ chào bán CK riêng lẻ có thông tin sai lệch hoặc không sửa đổi, bổ sung hồ sơ khi phát hiện thông tin không chính xác hoặc bỏ sót nội dung quan trọng theo quy định phải có trong hồ sơ; quảng cáo việc chào bán trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc công bố thông tin chứa đựng nội dung có tính chất quảng cáo hoặc mời chào mua CK được chào bán riêng lẻ… Các hành vi vi phạm này sẽ có mức phạt tiền tối đa là 200 triệu đồng.
Ngoài hình thức xử phạt bằng tiền, tổ chức phát hành còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung, như: đình chỉ đợt chào bán có thời hạn, buộc hủy bỏ đợt chào bán và cải chính thông tin, tịch thu các khoản thu trái pháp luật từ hành vi vi phạm.
Tổ chức phát hành vi phạm phải thu hồi CK đã chào bán, hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua CK hoặc tiền đặt cọc (nếu có) cộng thêm tiền lãi bằng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng mà tổ chức phát hành mở tài khoản thu tiền mua CK hoặc tiền đặt cọc tại thời điểm bị xử phạt VPHC, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của nhà đầu tư hoặc kể từ ngày bị buộc huỷ bỏ đợt chào bán.
Bên cạnh đó, những hành vi vi phạm về quản trị Cty đại chúng cũng sẽ có mức xử phạt tiền tối đa là 70 triệu đồng (tại Nghị định 85, mức phạt này chỉ từ 5 triệu đến 10 triệu đồng). Ngoài ra, dự thảo còn bổ sung biện pháp tịch thu các khoản thu bất hợp pháp của thành viên HĐQT, thành viên Ban kiểm soát, Giám đốc (Tổng giám đốc) điều hành và cán bộ quản lý, khi vi phạm các quy định về ngăn ngừa xung đột lợi ích và giao dịch với các bên có quyền lợi liên quan đến Cty; bổ sung các chế tài xử phạt tương ứng đối với các vi phạm về hoạt động của Cty CK, Cty quản lý quỹ, Cty đầu tư CK riêng lẻ tự quản lý vốn…
Để ngăn chặn các đối tượng lợi dụng việc biết thông tin về chào mua công khai để mua bán CK hoặc cung cấp, tiết lộ thông tin để người khác mua, bán CK trước thời điểm chào mua công khai chính thức, dự thảo đã bổ sung hình thức xử phạt đối với thành viên HĐQT, Giám đốc (Tổng Giám đốc), Phó Giám đốc (Phó Tổng Giám đốc), Kế toán trưởng, cổ đông lớn và người có liên quan của tổ chức chào mua công khai, Cty mục tiêu, nhân viên Cty CK và tổ chức, cá nhân lợi dụng việc này để tiến hành mua bán CK cho chính mình hoặc cung cấp, tiết lộ các thông tin liên quan cho bên thứ ba hoặc xúi giục, lôi kéo người khác mua, bán CK trước thời điểm chào mua công khai chính thức.
Theo bà, mức xử phạt mà dự thảo đưa ra lần này có đủ tính răn đe?
Tôi cho rằng với việc sửa đổi, bổ sung các quy định không còn phù hợp với thực tế, Nghị định sẽ nâng cao tính răn đe, phòng ngừa vi phạm trong lĩnh vực CK; nâng cao ý thức tôn trọng và tuân thủ pháp luật về CK của mọi cá nhân, tổ chức tham gia thị trường; hạn chế tối đa các vi phạm trong hoạt động giao dịch CK, đặc biệt là các hành vi gian lận, giao dịch nội gián và thao túng thị trường. Bên cạnh đó, Nghị định được ban hành cũng sẽ tạo hành lang pháp lý cho các cơ quan QLNN thực hiện tốt chức năng kiểm tra, giám sát hoạt động CK và TTCK, nâng cao hiệu lực QLNN đối với hoạt động CK.
Xin cảm ơn bà!