Từ ô tô “thâu tóm” bất động sản
Câu chuyện Đại Quang Minh làm BĐS chỉ nổi lên một vài năm trở lại đây, nhưng lại đang cho thấy là một thế lực mới trên thị trường. Với vốn điều lệ 4.200 tỉ đồng, Đại Quang Minh có quy mô vốn lớn hơn khá nhiều doanh nghiệp BĐS niêm yết trên sàn hiện nay mặc dù số dự án tham gia đầu tư chưa nhiều.
Đại Quang Minh được thành lập năm 2011 với sự bắt tay của 4 cổ đông là Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco) nắm 45% vốn, Công ty cổ phần Đầu tư Mai Linh nắm 37,5%, ông Trần Đăng Khoa và Công ty cổ phần thương mại quốc tế và tư vấn đầu tư Invecon nắm 17,5%.
Trong nửa đầu năm 2016, Thaco đã chi hơn 945 tỷ đồng mua thêm 5% cổ phần tại Đại Quang Minh để nâng mức sở hữu lên 50%.
Cuối tháng 9/2016, theo số liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, cơ cấu cổ đông của Đầu tư Đại Quang Minh đã có sự thay đổi lớn. Theo đó, tỷ lệ sở hữu của Thaco tại Đại Quang Minh đã tăng vọt lên mức 90%. Hai cổ đông còn lại là Công ty cổ phần Đầu tư Mai Linh đã thoái hết 37,5% vốn, còn ông Trần Đăng Khoa giảm tỷ lệ sở hữu chỉ còn vỏn vẹn 5%.
Như vậy, Thaco đã mua đứt Đại Quang Minh để toàn quyền quyết định dự án Sa La. Chiếc ghế Chủ tịch HĐQT Đại Quang Minh chuyển hẳn cho ông Trần Bá Dương – Chủ tịch Tập đoàn Ôtô Trường Hải đảm nhận thay ông Trần Đăng Khoa.
Đến với siêu đô thị 2,2 tỉ USD: Tiềm ẩn nhiều rủi ro và nguy cơ phá sản
Tại buổi lễ gặp Thủ tướng mới đây, tỷ phú Trần Bá Dương đã có những chia sẻ về hành trình đến với siêu dự án này.
Thời điểm năm 2013, nền kinh tế Việt Nam rơi vào đỉnh điểm của khủng hoảng, lạm phát cao, lãi suất ngân hàng lên đến trên 20%/năm, thị trường BĐS xuống đáy, đóng băng hoàn toàn, hầu hết các doanh nghiệp đều lâm vào hoàn cảnh khó khăn, nhất là các doanh nghiệp đầu tư xây dựng và BĐS.
Ông Dương cho hay, được sự giới thiệu và mời gọi đầu tư vào khu đô thị mới Thủ Thiêm, tại thời điểm đó, mặc dù đã được giải phóng mặt bằng cơ bản nhưng Thủ Thiêm hoàn toàn bị hoang hóa, các công trình hạ tầng giao thông chính trong nội khu như 4 tuyến đường chính và kết nối Thủ Thiêm với Trung tâm thành phố như cầu Thủ Thiêm 2, mặc dù đã được giao cho các doanh nghiệp nhà nước theo hình thức BT nhưng chưa triển khai gì nhiều, đang bị ngưng trệ và một số dự án BĐS mặc dù đã được giao nhưng đều rút lui.
“Khi đó, Thaco chúng tôi đã đánh giá là nếu đầu tư vào Thủ Thiêm thành công thì sẽ ghi dấu ấn đóng góp rất lớn vào phát triển Thủ Thiêm nói riêng và Thành phố nói chung. Đây cũng là một thách thức rất lớn, tiềm ẩn nhiều rủi ro và có nguy cơ phá sản nếu không thành công”, ông Dương giãi bày.
Ước vọng có công trình để đời!
Ông Dương kể lại, với mong muốn đóng góp cho sự phát triển của Thành phố là đầu tàu kinh tế Việt Nam trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và muốn có những công trình để đời sau này, cùng với sự mời gọi trọng thị và sự tin tưởng của Lãnh đạo Thành phố, Thaco và Đại quang Minh đã quyết định nhận làm. Đầu tiên, chúng tôi nhận bàn giao để triển khai đầu tư xây dựng các dự án giao thông và tiện ích xã hội đang bỏ dở như: 4 tuyến đường chính, cầu Thủ Thiêm 2, Quảng trường Trung tâm và Công viên Bờ sông… và đầu tư xây dựng một khu đô thị kiểu mẫu cho Thủ Thiêm, đồng thời nộp gần 3.200 tỷ đồng tiền mặt vào ngân sách, giúp Thành phố giải quyết khó khăn tài chính tại thời điểm đó.
Theo tỷ phú Dương, với tinh thần dám đối diện, vượt qua thách thức và nắm bắt cơ hội để phát triển, sau hơn 5 năm đầu tư, xây dựng và phát triển, đến nay Thaco và Đại Quang Minh đã đạt được những thành quả bước đầu và đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công để hoàn thành như sau: Dự án 4 tuyến đường chính đã bàn giao và đưa vào sử dụng, trừ một số phân đoạn còn đang vướng giải phóng mặt bằng. Dự án cầu Thủ Thiêm 2 đã thực hiện tất cả các gói thầu phía đường dẫn quận 2, Trụ cầu chính cũng đã được thi công cọc khoan nhồi. Ở đường dẫn phía Q.1 đang thực hiện các công tác nhận bàn giao mặt bằng và thi công di dời hạ tầng kỷ thuật; Dự án Quảng trường Trung tâm và Công viên Bờ sông đã hoàn thành dự án đầu tư và đang chờ thành phố phê duyệt để triển khai thi công.
Dự án Khu đô thị Sala: Đã hoàn thành cơ bản hệ thống hạ tầng kỹ thuật – giao thông, tiện ích xã hội trong nội khu và công trình nhà ở. Năm 2016 vừa qua, Khu đô thị Sala nói riêng và Đô thị mới Thủ Thiêm nói chung đã chào đón những cư dân đầu tiên sau hơn 20 năm kể từ ngày Thành phố có quy hoạch, xây dựng Khu Thủ Thiêm thành một trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ và đô thị mới, hiện đại của Thành phố.
Ông Dương cho hay, với các dự án đã và đang thực hiện, Thaco và Đại Quang Minh đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ là nhà đầu tư tiên phong và đã có đóng góp lớn, giúp cho Thành phố thu hút được các nhà đầu tư khác vào Thủ Thiêm và đưa giá trị của Thủ Thiêm lên rất cao so với trước đây; đồng thời Thaco đã có thêm một ngành nghề kinh doanh thứ hai là đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông và đô thị, BĐS.
Tỷ Phú Trần Bá Dương cũng tiết lộ, doanh nghiệp tiếp tục đầu tư xây dựng với định hướng tập trung vào việc chỉnh trang đô thị tại các địa phương như Đà Lạt, Bến Tre có giá trị thúc đẩy phát triển kinh tế cao và là những công trình để lại dấu ấn trong tương lai cho địa phương.