Còn tỷ giá trên thị trường tự do thì sao? Chia sẻ ở quan điểm cá nhân, vị lãnh đạo này cho rằng, thị trường tự do quá nhỏ để có thể ảnh hưởng đến các kênh chính thống.
“Chúng tôi rà soát thì thấy trên thị trường tự do quy mô giao dịch mỗi ngày chỉ 10 triệu USD, cao lắm thì 15 triệu USD. Còn trên thị trường liên ngân hàng và giao dịch kênh chính thống, quy mô tầm 1 tỷ USD là bình thường. Thị trường tự do bị các đầu mối lợi dụng, thông tin giật lên gây tâm lý thị trường để họ tranh thủ “kiếm tí” thôi”, người trong cuộc trên trò chuyện ở khía cạnh đánh giá cá nhân.
Vậy trên thị trường chính thống thì sao?
Ngày 16/8, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nâng tỷ giá trung tâm, phản ánh những biến động mạnh trên thị trường thế giới.
Những phiên giữa tuần, cuộc khủng hoảng tại Thổ Nhĩ Kỳ khiến nhiều cặp tỷ giá biến động mạnh, thị trường chứng khoán toàn cầu chao đảo. Trong nước, nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng mạnh.
Thế nhưng, như trên, Ngân hàng Nhà nước nâng tỷ giá trung tâm lên, đồng nghĩa với trần tỷ giá nới theo, mà giá bán USD trên biểu niêm yết của các ngân hàng thương mại vẫn đứng yên, không tăng bám trần nữa.
Đứng yên, nhưng đó là thay đổi lớn trong những phiên biến động vừa qua, nhất là trong bối cảnh thế giới nhiều xáo trộn mạnh.
Ngân hàng Nhà nước vẫn không phải bán ra hỗ trợ cung ngoại tệ. Thị trường vẫn tự dưỡng bình thường. Các nhu cầu ngoại tệ vẫn được đáp ứng tốt, giao dịch thông suốt.
Nhìn lại, trong suốt quá trình biến động tỷ giá USD/VND hai tháng qua, chưa từng và chưa hề có biểu hiện thị trường thiếu cung.
Theo dõi diễn biến các đợt biến động tỷ giá khoảng 20 năm trở lại đây thì thấy, trong tất cả các đợt căng thẳng kéo dài, khi nguồn cung khan hiếm, các ngân hàng thương mại đều chủ động nâng giá mua vào, đưa giá mua vào áp sát giá bán; những đợt quá căng thẳng, họ đưa giá mua vào san bằng giá bán ra và xuất hiện “hai tỷ giá” trong lòng hệ thống, hoặc phát sinh các loại phí biến tướng…
Còn hiện nay, suốt hai tháng qua các ngân hàng thương mại vẫn giữ nguyên chênh lệch giá mua vào với bán ra như bình thường, cách khoảng 80 – 100 VND.
“Thị trường không thiếu cung. Về tổng thể vẫn tốt. Cán cân tổng thể năm nay dự tính sẽ tiếp tục thặng dư trên 8 tỷ USD. Tuy nhiên, thị trường thế giới biến động mạnh và kéo dài như vậy, nhiều vấn đề xung đột thương mại nổi lên phức tạp…, tỷ giá vốn nhạy cảm, nên nó tạo mặt bằng mới thôi”, vị lãnh đạo trên cho biết.
Về điều hành, như VnEconomy đề cập quan điểm của Thống đốc đầu tuần này, ưu tiên hàng đầu của chính sách tiền tệ hiện nay là kiểm soát lạm phát và tỷ giá. Ngân hàng Nhà nước bám sát thị trường, linh hoạt và chủ động các cân đối để điều tiết.
Trên thị trường liên ngân hàng, hoạt động điều tiết và kết quả cũng sớm thể hiện. Lãi suất VND nhanh chóng trở lại để tạo chênh lệch dương gấp đôi so với lãi suất USD trên cùng thị trường, để giảm áp lực đối với tỷ giá. Điều tiết ở đây còn phải chặt chẽ để hạn chế tác động lên lãi suất trên thị trường 1 (giao dịch với dân cư và doanh nghiệp).
Và như VnEconomy đề cập trong tháng 6/2018, khi tỷ giá USD/VND có biểu hiện biến động, Ngân hàng Nhà nước cũng đã trù tính và nhanh chóng mở rộng kỳ hạn, kéo dài kỳ hạn tín phiếu hút bớt tiền đồng về. Đến nay, trạng thái dư thừa tiền đồng trong hệ thống đã được hạn chế chặt chẽ và bền vững hơn.
Hướng đến ngắn hạn, vị lãnh đạo trên cho biết, nhà điều hành đang tính toán cầu ngoại tệ liên quan đến tín dụng ngoại tệ. Nếu ngân hàng thương mại nào cho vay ngoại tệ kỳ hạn dài, tới đây dự kiến Ngân hàng Nhà nước sẽ siết lại, chỉ tập trung cho vay ngoại tệ ở các kỳ hạn ngắn để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu và chủ động hơn trong kiểm soát cầu ngoại tệ.
“Với tín dụng ngoại tệ, Ngân hàng Nhà nước sẽ sớm có thông điệp và tín hiệu để các thành viên trên thị trường chủ động nắm bắt”, vị lãnh đạo trên cho biết.