Một trong những vấn đề đáng chú ý tuần qua là sự chuyển động không ngừng của tỷ giá với diễn biến linh hoạt của tỷ giá trung tâm (TGTT).
Bắt đầu từ ngày 28/6, khi TGTT được NHNN điều chỉnh lên mức 22.655 đồng/USD. Đây là mức khá cao so với mức 22.433 đồng/USD của ngày này năm ngoái. Tuy nhiên, sau mức đỉnh 22.655 đồng/USD, TGTT đã giảm dần, ngày 2/7- đầu tuần, TGTT được điều chỉnh về mức 22.635 đồng/USD. Và đến cuối tuần, ngày 6/7 con số này là 22.638 đồng/USD. Vì sao chúng tôi nói nhiều đến TGTT mà không phải tỷ giá của các đơn vị kinh doanh ngoại tệ trên thị trường tự do – vốn được nhiều người quan tâm hơn cả?
Trở lại thời điểm năm cuối 2015. Đó là khi khái niệm gọi là “tỷ giá trung tâm” lần đầu tiên xuất hiện trong điều hành tỷ giá của NHNN. Cụ thể, ngày 31/12/2015 NHNN đã ban hành Quyết định số 2730/QĐ-NHNN về việc công bố TGTT của Đồng Việt Nam với Đô la Mỹ, tỷ giá tính chéo của Đồng Việt Nam với một số ngoại tệ khác. TGTT được xác định trên cơ sở tham chiếu diễn biến tỷ giá bình quân gia quyền trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng; diễn biến tỷ giá trên thị trường quốc tế của một số đồng tiền của các nước có quan hệ thương mại, vay, trả nợ, đầu tư lớn với Việt Nam; các cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ…
Theo NHNN cách thức điều hành tỷ giá mới cho phép tỷ giá biến động linh hoạt hàng ngày theo diễn biến cung cầu ngoại tệ trong nước, biến động trên thị trường thế giới, nhưng vẫn đảm bảo vai trò quản lý của NHNN theo định hướng điều hành chính sách tiền tệ…
Với cơ chế này, tỷ giá được điều hành theo hướng linh hoạt hơn, phù hợp với bối cảnh thương mại và đầu tư quốc tế liên tục có biến động như hiện nay. Việc xác định và công bố TGTT được NHNN cân nhắc kỹ lưỡng, đảm bảo yếu tố linh hoạt, nhưng vẫn đảm bảo yếu tố quản lý theo đúng chế độ tỷ giá thả nổi có sự quản lý của nhà nước… Những khái niệm cơ bản này cho thấy TGTT luôn theo sát với diễn biến của thị trường và là cái “neo” tham chiếu cho tỷ giá thị trường.
Trở lại diễn biến tỷ giá tuần qua. Hôm 2/7, tỷ giá niêm yết của các NHTM đã quanh mức 23.000 đồng/USD. Giá mua, bán USD trên thị trường tự do có thể được giao dịch cao hơn mức niêm yết của NHTM nhưng khối lượng giao dịch không nhiều nên không thể có tác động đến mặt bằng tỷ giá chung. Điều này cho thấy ngưỡng cản 23.000 đồng/USD của thị trường không có gì đặc biệt. Nhưng vì sao cụm từ “đô lên 23“ lại tạo tâm lý kỳ vọng trên thị trường?
Thực ra, chỉ cần TGTT ở mức 22.330 đồng/USD thì với biên độ +/- 3%, các NHTM đã có thể giao dịch trong khoảng 21.660 – 23.000 đồng/USD. Song ngay cả khi TGTT ở mức 22.655 đồng/USD thì tỷ giá niêm yết của các NHTM chưa vượt qua ngưỡng 23.000 đồng/USD. Tuy nhiên, hiện đang có nhiều yếu tố tác động bất lợi lên tâm lý nhà đầu tư, doanh nghiệp và cả người dân (là số đông nhưng lại vốn không thường xuyên giao dịch bằng USD). Đầu tiên phải kể đến sắc đỏ bao trùm thị trường chứng khoán khiến VN – Index trở về mức thấp nhất kể từ đầu năm.
Trên thị trường thế giới là tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc đến thương mại toàn cầu, chứ không riêng gì Việt Nam. Chỉ số US Dollar Index (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) liên tục có biến động trong thời gian qua. Cộng thêm việc thực hiện lộ trình điều chỉnh lãi suất của Fed đã khiến NHTW các nước cũng có điều chỉnh chính sách càng khiến cho thị trường thế giới có những biến động khó lường.
Trong bối cảnh đó, tuy TGTT được NHNN điều chỉnh liên tục nhưng thực tế từ đầu năm đến nay tỷ giá mới tăng khoảng 1% – hoàn toàn nằm trong dự báo của giới chuyên gia (tỷ giá năm nay sẽ điều chỉnh trong biên độ 1% – 2%). Cung cầu thị trường không có nhiều biến động. Ngay sau phát biểu hôm 3/7 của Thống đốc Lê Minh Hưng tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng, thị trường đã giảm nhiệt.
Thị trường chuyển động từng ngày là tất yếu nhưng, quan trọng là quan điểm điều hành chính sách tỷ giá của NHNN vẫn luôn nhất quán và kiên định mục tiêu ổn định thị trường ngoại hối, nâng cao vị thế của đồng Việt Nam, từ đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý.