Bình thản trước Fed
Cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày của Fed đã kết thúc chiều 21/3, với việc Fed quyết định tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản lên 1,50 – 1,75% đúng như kỳ vọng của giới chuyên gia và các nhà đầu tư. Fed cũng dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm ít nhất là 2 lần nữa trong năm nay, 3 lần trong năm 2019 và 2 lần nữa vào năm 2020.
Tuy nhiên, đồng USD trên thị trường thế giới vẫn sụt giảm mạnh do Fed không thỏa mãn được kỳ vọng của thị trường khi vẫn lưỡng lự với việc tăng lãi suất 3 hay 4 lần trong năm nay, trong khi các nhà đầu tư kỳ vọng là Fed sẽ nâng dự báo lên 4 lần tăng lãi suất thay vì 3 lần tăng như dự kiến hồi tháng 12/2017.
Theo đó, chỉ số USD so với giỏ 6 đồng tiền chủ chốt đã giảm tới 0,7% trong phiên giao dịch hôm thứ Tư sau khi quyết định chính sách của Fed được công bố, mức giảm hàng ngày mạnh nhất trong gần 2 tháng qua.
Vừa có dấu hiệu phục hồi nhẹ trong phiên hôm qua khi tâm lý của các nhà đầu tư ổn định hơn, đồng bạc xanh lại tiếp tục giảm mạnh trong sáng nay do lo ngại cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung có thể nổ ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký bản ghi nhớ về việc áp thuế nhập khẩu đối với hàng hóa của Trung Quốc hôm thứ Năm.
Tuy nhiên diễn biến tỷ giá trong nước lại khá bình lặng. Tỷ giá trung tâm sau khi giảm 7 đồng trong phiên hôm qua đã được NHNN tăng trở lại 3 đồng lên 22.455 đồng/USD trong sáng nay.
Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính – ngân hàng, tỷ giá trung tâm đang được NHNN điều hành hết sức linh hoạt, theo sát biến động của đồng USD trên thị trường thế giới và diễn biến của thị trường ngoại hối trong nước.
“Việc tỷ giá trung tâm tăng nhẹ trong ngày hôm nay là do đồng USD phục hồi nhẹ trong phiên hôm qua và tỷ giá tại các ngân hàng cũng tăng nhẹ”, một chuyên gia giải thích.
Lý giải về việc tỷ giá không có biến động mạnh sau khi Fed tăng lãi suất, theo TS. Trần Du Lịch – thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng là do kế hoạch tăng lãi suất của Fed đã được đưa ra từ trước và NHNN cũng đã có các kịch bản trong điều hành.
Theo đó, với việc đồng USD tăng giá rất mạnh trước thời điểm Fed tăng lãi suất do kỳ vọng Fed sẽ phát tín hiệu tăng lãi suất nhanh hơn trong năm 2018, NHNN cũng liên tục tăng tỷ giá trung tâm, như tăng 10 đồng vào ngày 19/3 và tăng 9 đồng vào ngày 21/3.
“Nhờ được chuẩn bị từ sớm nên diễn biến thị trường ngoại hối và tỷ giá trong nước chỉ biến động khá nhẹ cho dù đồng USD liên tục biến động mạnh trước và sau cuộc họp của Fed”, vị chuyên gia này kết luận.
Tự tin vào tỷ giá
Trong Báo cáo tình hình kinh tế – tài chính tháng 2 và 2 tháng đầu năm, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia dự báo, tỷ giá năm 2018 dự báo sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi 3 yêu tố sau. Thứ nhất, cán cân thương mại có khả năng tiếp tục thặng dư; Thứ hai, đồng USD được dự báo sẽ tiếp tục mất giá trong năm 2018; Thứ ba, triển vọng về nguồn vốn gián tiếp (FII) vào Việt Nam thông qua thị trường chứng khoán là rất tích cực.
Cũng có chung đánh giá như Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, song vị chuyên gia tài chính – ngân hàng nêu trên còn bổ sung thêm một yếu tố vô cùng quan trọng, đó là sự điều hành tỷ giá vô cùng chủ động và linh hoạt của NHNN với cơ chế tỷ giá trung tâm được công bố hàng ngày, có tăng, có giảm như vừa qua.
“Điều hành tỷ giá của NHNN ngày càng linh hoạt, chuyên nghiệp cộng thêm cam kết của nhà điều hành là sẽ can thiệp khi cần thiết để tỷ giá không bị biến động quá mạnh. Đó là chỗ dựa vững chắc cho thị trường tin tưởng dù diễn biến quốc tế sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam nhưng thực sự không đáng ngại”, vị chuyên gia trên kết luận.
Điều đó cũng đã được minh chứng trong suốt năm 2017 và những tháng đầu năm 2018. Còn nhớ sau khi tăng rất mạnh trong nửa cuối năm 2016, đồng USD lại quay đầu giảm mạnh khi bước vào năm 2017 khi thị trường thất vọng với khả năng thực hiện các cam kết chính sách của chính quyền ông Trump. Tính chung đồng USD đã giảm tới hơn 9% trong năm 2017.
Thế nhưng thị trường ngoại hối và tỷ giá trong nước chỉ biến động khá nhẹ trong năm qua. Tính chung cả năm qua, tỷ giá trung tâm chỉ tăng tổng cộng 267 đồng, tương đương 1,2% trong khi giá USD tại các ngân hàng lại giảm nhẹ khoảng 0,24%.
Việc đồng USD rớt giá mạnh so với các đồng tiền chủ chốt, nhưng lại tăng nhẹ so với VND vô hình chung đã tạo thêm lợi thế cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Bởi vậy, không ít chuyên gia đánh giá, đằng sau thành tích xuất khẩu 214,2 tỷ USD trong năm qua có hình bóng của tỷ giá.
Những tháng đầu năm nay cũng vậy, mặc dù tỷ giá trung tâm được điều chỉnh theo sát diễn biến của đồng USD trên thị trường quốc tế, nhưng tính từ đầu năm tỷ giá trung tâm tăng 30 đồng, có nghĩa VND giảm giá khoảng 0,13% so với USD, trong khi đồng USD tiếp tục giảm giá trên thị trường thế giới.
Bởi vậy không chỉ yên tâm với việc tỷ giá sẽ tiếp tục ổn định trong năm 2018 mà các DN xuất khẩu còn có thể vui mừng với sự hỗ trợ của tỷ giá.
“Tỷ giá USD/VND trong năm 2018 tăng nhẹ ở mức 1,5 – 2% sẽ tiếp tục tạo ra lợi thế cạnh tranh cho hàng xuất khẩu của Việt Nam”, Ủy ban Giá sát tài chính quóc gia nhận định trong Báo cáo kinh tế tháng 2.