Tỷ giá thị trường bật tăng khá mạnh trong những ngày cuối tuần trước và đầu tuần này. Không khó để nhận thấy nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ tâm lý lo ngại dòng vốn nước ngoài có thể đảo chiều sau khi Fed tăng tiếp lãi suất và dự báo có thể tăng thêm 2 lần nữa trong năm nay. Tâm lý đó ngày càng lớn khi nhiều đồng tiền trong khu vực cũng rớt giá trong bối cảnh đồng USD tăng giá mạnh trên thị trường thế giới.
Tuy nhiên lo lắng trên có phần thái quá nếu xét trong bối cảnh của Việt Nam. Nhìn lại những nền kinh tế trong khu vực có đồng nội tệ bị giảm mạnh trong thời gian qua, đa phần đều có nền tảng tài chính khá yếu, thâm hụt cán cân vãng lai lớn và kéo dài khiến khả năng chống đỡ đối với các cú sốc bên ngoài cũng bị suy giảm.
Trong khi tại những quốc gia có cán cân vãng lai thặng dư như Hàn Quốc hay Thái Lan, đồng nội tệ của họ tuy vẫn có giảm trước sự tăng giá mạnh của đồng USD, song mức độ là khá nhỏ. Thậm chí các quốc gia này còn xem mức giảm trên là một lợi thế đáng kể cho hoạt động xuất khẩu trong bối cảnh căng thẳng thương mại đang leo thang trên toàn cầu.
Còn tại Việt Nam, cán cân vãng lai liên tục duy trì trạng thái thặng dư khá lớn suốt từ năm 2017 đến nay. Số liệu thống kê của NHNN Việt Nam cho thấy, cán cân vãng lai của Việt Nam tiếp tục thặng dư 4,3 tỷ USD trong quý II, qua đó góp phần giúp cán cân thanh toán tổng thể thặng dư tới gần 9,6 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm.
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương diễn ra đầu tuần này, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cũng thông tin, trong 6 tháng đầu năm NHNN đã mua vào được 11 tỷ USD để nâng dự trữ ngoại hối quốc gia lên 63,5 tỷ USD – một mức cao kỷ lục mới. Dự trữ ngoại tệ tăng cao chẳng những tăng cường khả năng chống đỡ của nền kinh tế trước các cú sốc từ bên ngoài, tăng khả năng can thiệp thị trường, mà còn giúp nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong con mắt các nhà đầu tư nước ngoài.
Thực tế những tháng đầu năm cũng cho thấy, cung – cầu ngoại tệ của nền kinh tế không có gì đột biến. Thậm chí nguồn cung ngoại tệ còn khá dồi dào do cán cân thương mại thặng dư tới 2,71 tỷ USD; trong khi giải ngân vốn FDI tăng mạnh, đạt 8,34 tỷ USD; rồi còn nguồn giải ngân vốn ODA, nguồn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài, nguồn thu từ du lịch… Đó chính là lý do giúp thị trường ngoại hối trong ước những tháng đầu năm cơ bản ổn định, tỷ giá chỉ tăng xấp xỉ 1%.
Thấu hiểu những lý do đó và “chẩn đoán” đúng việc tỷ giá thị trường biến động trong mấy ngày gần đây chủ yếu do yếu tố tâm lý nên NHNN đã đưa ra “phác đồ điều trị” vô cùng hợp lý, đó là khẳng định sẽ sẵn sàng bán ngoại tệ để can thiệp thị trường. “NHNN luôn chủ động các phương án để điều hành tỷ giá và sẵn sàng can thiệp thị trường ngoại tệ khi cung – cầu thị trường có vấn đề, đảm bảo trên thị trường ngoại tệ được thông suốt”, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết tại Hội nghị của Chính phủ. Không dừng lại ở đó, chiều ngày 3/7, NHNN tiếp tục phát đi một tín hiệu mạnh mẽ về việc sẵn sàng can thiệp đó là giảm giá bán ra ngoại tệ tới 244 đồng/USD.
Những động thái trên của NHNN đã xóa tan tâm lý lo ngại của thị trường. Bằng chứng là tỷ giá thị trường đã giảm nhẹ trở lại từ sáng ngày 3/7 và tiếp tục duy trì trạng thái này trong phiên ngày 4/7.
Tuy nhiên tâm lý là một “căn bệnh” mãn tính, thường có xu hướng bùng phát mỗi khi thị trường biến động. Bởi vậy, để trị căn bệnh này phương thuốc hữu hiệu nhất là phải duy trì môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp, kinh tế tăng trưởng ổn định để củng cố niềm tin của người dân vào đồng nội tệ.