Sáng 14/6 theo giờ Việt Nam, sau hai ngày làm việc Fed đã quyết định tăng lãi suất cơ bản từ 1,75% lên mức 2% và bật tín hiệu tiếp tục tăng lãi suất thêm 2 lần nữa trong năm nay. Tuy nhiên do động thái này của Fed đã được thị trường dự đoán từ khá sớm nên không có nhiều tác động đến các thị trường. Thậm chí trái với dự đoán của nhiều người, chỉ số USD còn giảm nhẹ 0,3% so với phiên trước xuống còn 93,39 điểm.
Trên thị trường ngoại hối Việt Nam, mặc dù tỷ giá trung tâm ngày 14/6 được NHNN tăng nhẹ 5 đồng lên 22.583 đồng/USD, thế nhưng giá mua – bán USD tại các ngân hàng lại có xu hướng giảm nhẹ so với ngày hôm trước.
Cụ thể nếu như sáng nay Vietcombank niêm yết giá mua- bán USD ở mức 22.780/22.850 đồng/USD, không đổi so với cuối phiên hôm trước; thì đến chiều ngân hàng này đã giảm cả giá mua và bán USD 5 đồng xuống mức 22.775/22.845 đồng/USD. VietinBank thì giảm giá giao dịch đồng bạc xanh ngay từ đầu giờ sáng xuống còn 22.770 – 22.850 đồng/USD. Khối NHTMCP cũng có động thái tương tự, thậm chí nhiều ngân hàng còn giảm khá mạnh tay như Eximbank.
Theo đánh giá của chuyên gia Cấn Văn Lực, trong thời gian qua NHNN điều hành cơ chế tỷ giá trung tâm khá phù hợp. Việc NHNN chủ động điều chỉnh tỷ giá trung tâm từ đầu tuần, một mặt đón trước khả năng Fed tăng lãi suất, mặt khác để tỷ giá tiếp tục sát hơn so với thị trường.
Thông tin thêm về định hướng điều hành tỷ giá trong thời gian qua, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) Phạm Thanh Hà cho biết, NHNN điều hành linh hoạt tỷ giá trung tâm kết hợp với điều chỉnh linh hoạt tỷ giá mua ngoại tệ từ TCTD theo sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, trên cơ sở phối hợp đồng bộ với các công cụ CSTT khác.
Nhờ đó, NHNN tiếp tục mua ngoại tệ bổ sung Quỹ dự trữ ngoại hối đồng thời kết hợp hài hòa với việc trung hòa lượng tiền đưa ra trên thị trường mở, tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định. Thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ, kịp thời. Hệ thống các TCTD mua ròng ngoại tệ từ tổ chức, cá nhân, từ đó có điều kiện bán lại cho NHNN để bổ sung dự trữ ngoại hối.
Cũng nhờ các giải pháp điều hành đồng bộ trên, theo đánh giá của các chuyên gia, tỷ giá trung tâm cũng như tỷ giá mua bán tại các NHTM chỉ tăng khá nhẹ, chưa đến 1% trong khi một số đồng tiền khác chịu mất giá đâu đó từ 1-3%. Qua đó thấy rằng NHNN tiếp tục điều hành tỷ giá với cơ chế tỷ giá trung tâm khá là linh hoạt, hiệu quả…
Diễn biến thực tế trên thị trường cũng cho thấy, cơ chế điều hành tỷ giá của NHNN đang phát huy hiệu quả khi tỷ giá trong nước được duy trì khá ổn định cho dù đồng USD trên thị trường thế giới biến động khá mạnh. Một yếu tố nữa cũng đang hỗ trợ tích cực cho tỷ giá và thị trường ngoại hối đó là hiện nguồn cung ngoại tệ đang rất dồi dào nhờ cán cân thương mại thặng dư khá lớn trong 5 tháng đầu năm, trong khi giải ngân vốn FDI cũng tăng 9,8% so với cùng kỳ đạt 6,75 tỷ USD; nguồn kiều hối cũng duy trì được đà tăng trưởng ổn định, nguồn thu từ du lịch… Đặc biệt không thể không nói tới nguồn ngoại tệ từ lộ trình cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước tại nhiều DNNN lớn.
Tất cả những yếu tố đó khiến giới chuyên gia tin tưởng thị trường ngoại hối và tỷ giá sẽ tiếp tục được duy trì ổn định trong thời gian tới. TS. Võ Trí Thành cho rằng, với kinh nghiệm điều hành tỷ giá ngày càng linh hoạt, nhuần nhuyễn, cùng với dự trữ ngoại hối quốc gia đang ở mức cao nhất từ trước đến nay, cán cân thanh toán thặng dư… NHNN có đủ điều kiện, cơ sở duy trì sự ổn định tỷ giá.
Thậm chí theo quan điểm của TS. Nguyễn Trí Hiếu, việc NHNN chủ động điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm cũng như tỷ giá VND/USD tăng nhẹ có ảnh hưởng tích cực, có lợi đối với nền kinh tế. Đó là khi tỷ giá tăng các nhà xuất khẩu được hưởng lợi đồng thời hạn chế được nhập khẩu.
Mặc dù vậy, TS. Cấn Văn Lực cũng như nhiều chuyên gia khác vẫn khuyến nghị NHNN tiếp tục theo dõi bám sát thị trường nhất là động thái chính sách của Fed để có những giải pháp ứng phó phù hợp. Bên cạnh đó cần phải kiểm soát chặt cho vay ngoại tệ.
Nói về định hướng điều hành tỷ giá trong thời gian tới, ông Phạm Thanh Hà cho biết, NHNN điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường, các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, tăng quy mô dự trữ ngoại hối khi có điều kiện thuận lợi.