Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh tại buổi tọa đàm “Doanh nghiệp nhỏ tìm vốn “rẻ” ở đâu?” Do Thời báo Kinh tế Sài Gòn phối hợp với Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) tổ chức.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, hiện có rất nhiều chính sách hỗ trợ vốn dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, thông qua 3 cơ chế tác động gồm: tín dụng, lãi suất và tỷ giá.
Về cơ chế tín dụng, trước đây giai đoạn 2011 – 2012, tín dụng được thắt chặt, tăng trưởng tín dụng ở mức 8% – 10%, nhưng ở giai đoạn 2016 – 2018, mục tiêu tăng trưởng tín dụng được đề ra khoảng 18% – 20%. Năm 2018 mục tiêu tăng trưởng tín dụng 17%, nhưng đến cuối tháng 6/2018, tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng tại TP. Hồ Chí Minh chỉ khoảng 7,5%. Vì vậy, với dư địa tăng trưởng tín dụng còn lại, TP. Hồ Chí Minh không thiếu vốn cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng đang tích cực xử lý nợ xấu, tạo nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp. Tính đến cuối tháng 5/2018, tỷ lệ nợ xấu ở TP. Hồ Chí Minh khoảng 3% và nếu không tính nợ xấu của 3 ngân hàng 0 đồng, nợ xấu của toàn hệ thống tại TP. Hồ Chí Minh chỉ ở mức 1,7%, thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.
Về chính sách lãi suất, từ cuối 2016 đến nay, ngành ngân hàng thực hiện cơ chế cho vay theo lãi suất thỏa thuận.
Về tỷ giá, mặc dù từ cuối tháng 6/2018, thị trường ngoại hối chịu sức ép rất lớn từ quốc tế và buộc phải nâng tỷ giá VND/USD. Từ nay đến cuối năm, FED có thể tăng lãi suất thêm 2 -3 lần nữa vì vậy tỷ giá VND/USD vẫn còn biến động.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, mặc dù tỷ giá có tăng nhưng sẽ không căng thẳng, nhu cầu ngoại tệ của người dân vẫn được đáp ứng đầy đủ. Bởi với nguồn cung USD như hiện nay từ giải ngân FDI, kiều hối, xuất khẩu, đặc biệt là nguồn dự trữ ngoại hối lớn lên tới 63,5 tỷ USD, cho phép Ngân hàng Nhà nước có đầy đủ các công cụ để can thiệp vào tỷ giá nếu cần thiết.
Được biết, 6 tháng đầu năm 2018, giải ngân vốn FDI cả nước đạt 8,37 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2017.