Ngành may phải tham gia từ thiết kế…
Theo đánh giá của ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM, nếu có thể chủ động được khâu thiết kế thời trang cũng như nguyên phụ liệu thì quá tốt, nhưng thực tế phần nhiều DN vẫn nhìn thấy xong chưa thể làm được. Lý do còn phải phụ thuộc vào khách hàng và thị trường nước ngoài vốn đã có sự phân công trong chuỗi giá trị ngành toàn cầu.
Chẳng hạn các quốc gia đi trước như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản chủ yếu tập trung vào khâu mang lại giá trị gia tăng cao nhất: thiết kế, marketing và phân phối. Trong khi đó, hoạt động sản xuất tập trung tại Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia đang phát triển như Bangladesh, Việt Nam, Pakistan, Indonesia… Hệ thống các nhà buôn tại 3 quốc gia chính là Hồng Công, Hàn Quốc và Đài Loan kết nối các công ty sản xuất với người tiêu dùng cuối.
Thêm nữa, để phát triển được khâu thiết kế cần có lực lượng lao động được đào tạo bài bản, phần này ngành dệt may cũng chưa chủ động được. Do vậy, để chuẩn bị cho những bước đi lâu dài, Hội Dệt may thêu đan TPHCM đã có đề xuất xin được mở trung tâm thiết kế và nguyên phụ liệu tại quận 9, với diện tích 30ha.
Ở đây sẽ chú trọng vào các hoạt động thiết kế, sản xuất, thương mại, giao dịch nguyên phụ liệu… tương tự như Hồng Công. Khi khách hàng đến với trung tâm này thấy mẫu mã, nguyên liệu có thể đặt hàng ngay. Các đơn đặt hàng ở đây giá trị sẽ cao hơn nhiều so với các đơn hàng gia công hiện nay. Nhờ vậy sẽ nâng cao hiệu quả cho toàn ngành may mặc của Việt Nam, chứ không chỉ riêng ngành may tại TPHCM. Trung tâm này khi hình thành cũng nâng cao tính liên kết trong các DN Việt Nam. Bởi khi trung tâm hình thành và hoạt động có hiệu quả, sẽ tạo sức hút kéo thêm các DN tham gia.
Được biết, đề xuất này của hội đã được Sở Công Thương TPHCM thông qua. Đồng thời, UBND TPHCM cũng bước đầu đồng ý thành lập trung tâm thời trang tại quận 9. Tuy nhiên, việc xây dựng trung tâm cũng phải cần thêm nhiều thời gian để tìm kiếm quỹ đất, nhà đầu tư cũng như nhiều yếu tố pháp lý khác… “Thực ra việc có được trung tâm này sẽ giúp cho các DN có khả năng hưởng lợi nhiều hơn từ các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương mà Việt Nam đã ký kết” – ông Hồng nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May 28, để nâng cao chuỗi giá trị ngành may cần phát triển các DN hoạt động ở công đoạn thiết kế, logistics và thương mại. TPHCM là nơi rất phù hợp để phát triển DN thực hiện sản xuất kinh doanh ở công đoạn này xét về lợi thế so sánh, cũng như điều kiện về nguồn lực.
Là một đô thị lớn của khu vực phía Nam, TP có được nhiều trung tâm thương mại, phân phối hàng hóa và thị trường tiêu dùng thời trang, nên rất lý tưởng để phát triển các công ty thời trang. Các công ty này đảm nhận khâu nghiên cứu phát triển, thương hiệu và phân phối, bởi TP dễ quy tụ được nguồn nhân lực chất lượng cao trong thiết kế và khai thác thị trường. Các công đoạn còn lại như cắt may, nguyên liệu có thể liên kết với các DN vệ tinh ở các tỉnh lân cận – những khâu sản xuất đòi hỏi nhiều lao động giản đơn nên không thích hợp với chiến lược phát triển tổng thể của TP.
Từng bước tự động hóa
Bên cạnh việc tính toán những bước đi cần thiết cho tương lai, để có thể chạm tay vào khâu thiết kế quyết định phần lớn giá trị gia tăng của ngành, các DN đặc biệt là DN tại nhiều TP lớn cũng đang tính đến bài toán tự động hóa trong sản xuất để giảm áp lực thiết hụt lao động hiện thời. Một DN may tại TPHCM cho biết, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2018 đã mất hơn 600 lao động và chỉ tuyển lại được hơn 300 người. Đâu là nguyên nhân?
Theo tìm hiểu của ĐTTC, người lao động trong ngành may hiện nay đang có xu hướng dịch chuyển về quê hoặc sang những ngành khác ít áp lực mà lương lại cao hơn. Sự dịch chuyển lao động ngành may đang có xu hướng đổ về các lĩnh vực mới hấp dẫn hơn như dịch vụ bán lẻ, khách sạn, du lịch, giải trí… hiện đang bùng nổ. Ngoài ra, việc các DN có vốn FDI mở rộng sản xuất, trả lương cao hơn để thu hút lao động cũng là lý do khiến lao động ngành may mặc trong nước bị thiếu hụt. DN trong nước dù có nỗ lực tăng lương, nhưng cũng chưa đủ mạnh để giữ chân họ.
Trước thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng các DN ngành may cũng dần tiến tới sử dụng máy móc thay thế con người, nhất là khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay. Và điều này hoàn toàn phù hợp với dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), 86% người lao động Việt Nam trong hai ngành dệt may và da giày có thể đối mặt với nguy cơ mất việc làm cao, do tự động hóa và robot trong các dây chuyền sản xuất. Tại Hoa Kỳ và Nhật Bản, đã có những nhà máy chuyên về may mặc sử dụng robot vận hành, thì tương lai Việt Nam cũng không thể nằm ngoài xu hướng chung ấy.
Song dưới góc nhìn của ông Phạm Xuân Hồng, tự động hóa trong ngành dệt may phải diễn ra từng bước theo thời gian và tùy công đoạn. Với DN làm trong mảng dệt nhuộm dễ đầu tư công nghệ hiện đại hơn, còn với mảng may cũng có những DN đang cố gắng đầu tư thêm thiết bị tự động nhằm giảm phụ thuộc vào lao động phổ thông. Nhưng sản phẩm may cần con người nhiều hơn, đó là chưa kể chi phí đầu tư thiết bị tự động hiện nay quá cao, nếu không thận trọng cân nhắc sẽ làm đột biến chi phí. Đó là chưa muốn nói đến đào tạo nhân sự để đáp ứng với máy móc không hề đơn giản. Máy móc 4.0 nhưng làm sao có được con người 4.0 cũng hết sức quan trọng.