Đầu tháng 9, Kim Eng Securities tổ chức một chuyến công tác tại Việt Nam cho các quỹ đầu tư đang quản lý những khoản tài sản lên đến hàng chục, hàng trăm tỉ đôla Mỹ như Matthews International Capital Management, TIAA-CREF, UBS Global Asset Management, JF Asset Management, cùng với vài quỹ nhỏ hơn với tổng tài sản quản lý từ vài trăm triệu tới vài tỉ đôla Mỹ.
Cùng thời điểm, Hội đồng doanh nghiệp Mỹ – ASEAN cũng tổ chức chương trình làm việc ở Việt Nam cho đại diện của khoảng 40 công ty hàng đầu ở Mỹ.
Hàng loạt các cuộc gặp với giới quan chức cấp cao và doanh nghiệp lớn được tổ chức. Mối quan tâm về thị trường Việt Nam vẫn còn đó đối với cả đầu tư trực tiếp và gián tiếp, tuy nhiên việc các nhà đầu tư nước ngoài có quay trở lại với những kế hoạch đầu tư cụ thể không lại là chuyện khác.
Các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tới điều gì từ những chuyến đi này? Tình hình kinh tế vĩ mô, trong đó có triển vọng tăng trưởng, các vấn đề lạm phát, tỷ giá, cán cân thanh toán, các biện pháp ứng phó của Chính phủ… là những câu hỏi được đặt lên hàng đầu.
Đối với các nhà đầu tư tài chính gián tiếp, mối quan tâm cụ thể hơn: chính sách của Nhà nước đối với doanh nghiệp, quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước và việc niêm yết những công ty lớn, quản trị doanh nghiệp và vấn đề tính minh bạch trong hoạt động cũng như báo cáo tài chính doanh nghiệp.
Những chuyến đi thăm dò, gặp gỡ với nội các mới giúp cho các nhà đầu tư có một bức tranh đầy đủ hơn về tình hình Việt Nam.
Theo ông Vũ Tú Thành, trưởng đại diện của hội đồng doanh nghiệp Mỹ – ASEAN tại Việt Nam, “Các nhà đầu tư cho rằng thách thức vĩ mô của Việt Nam là rất lớn, và chưa biết các biện pháp đang được áp dụng có kết quả trong vòng 12 – 18 tháng tới không, nhưng họ cho rằng có thể trông chờ rằng Việt Nam có năng lực giải quyết tình hình”.
Giới đầu tư tài chính tại Việt Nam nhận định rằng, rất khó để thấy được luồng vốn đầu tư gián tiếp mới từ nước ngoài đổ vào Việt Nam trong vòng sáu đến chín tháng tới. Ổn định vĩ mô vẫn là vấn đề quan trọng hàng đầu, và nhà đầu tư nước ngoài sẽ còn ngại ngần bỏ tiền vào thị trường khi lạm phát vẫn cao và nỗi lo đồng tiền mất giá còn đó.
Trong thời gian qua, hoạt động giao dịch của khối nhà đầu tư nước ngoài có những dấu hiệu khởi sắc, nhưng vẫn dao động ở mức 20 – 30% tổng giao dịch của thị trường, và chưa có những luồng tiền mới đang đổ vào.
Đối với các quỹ hưu trí, quỹ đầu tư cơ hội lớn nêu tên ở trên, bên cạnh những vấn đề vĩ mô, còn là vấn đề về kích cỡ thị trường cho các khoản đầu tư của họ. Đối với các quỹ rất lớn, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ không đủ độ hấp dẫn khi những công ty lớn chưa được niêm yết trên sàn.
Ông Micheal Kokalari, giám đốc bộ phận phân tích của Kim Eng Securities cho rằng các quỹ lớn, nếu có quyết định đầu tư vào Việt Nam, cũng sẽ phải mất ít nhất sáu đến chín tháng trước khi đưa ra quyết định.
Ông Kokalari tỏ ra lạc quan khi cho rằng thị trường đã chạm đáy và tình hình đang diễn biến theo xu hướng tích cực, với chỉ số lạm phát đi theo xu hướng giảm, và ông cho rằng nghị quyết 11 đang phát huy tác dụng.
Kim Eng Securities cho rằng các quỹ lớn để mắt đến Việt Nam trong bối cảnh tình hình không lạc quan ở Mỹ và châu Âu, cộng với nỗi lo “vỡ bong bóng” ở Trung Quốc, khiến họ dồn mối quan tâm tới các thị trường châu Á khác. Việt Nam, theo quan điểm này, chưa nằm trong nhóm những thị trường đang lên như Thái Lan, Indonesia… nhưng lại cũng không nằm ở trong nhóm những thị trường chưa phát triển như Bangladesh, Sri Lanka.
Trong khi đó, ít nhất là tình hình có vẻ khả quan hơn ở khu vực đầu tư tư nhân. Hàng loạt các vụ mua bán, sáp nhập thành công trong thời gian qua cho thấy vẫn có một số ít nhà đầu tư nước ngoài với tầm nhìn dài hạn vẫn đang bỏ vốn đầu tư vào những công ty tiềm năng, mạnh khoẻ và có hy vọng mang lại lợi nhuận, không phải ngay lập tức, nhưng trong vài năm tới.