Các chuyên gia cho rằng, dù không xuất hiện tình trạng bán tháo, song tâm lý lo lắng và ảm đạm đang bao trùm thị trường và hy vọng về khả năng phục hồi vào những tháng cuối năm được cho là… không thể.
Đà sụt giảm
Phiên giao dịch đầu tiên của tháng 10.2011 diễn ra hôm thứ hai ngày 3.10 đã cho thấy xu hướng sụt giảm của TTCK khi chỉ số VN-Index giảm phiên thứ tư liên tiếp, xuống sát 422 điểm. Chứng kiến và ghi nhận phiên giao dịch này thì có thể thấy ngay cả các CP vốn có “tiềm năng”, thậm chí là tăng giá liên tục trong tháng 9.2010 như IJC, PXL… thì đều dư bán ở mức giá sàn với số lượng lớn. Trong phiên này, giá trị giao dịch chỉ đạt gần 450 tỉ đồng, thấp nhất kể từ ngày 26.8. HNX-Index cũng giảm phiên thứ ba liên tiếp mất trên 1%, về sát 70 điểm.
Sang đến phiên giao dịch ngày 4.10, chỉ số VN-Index thêm một lần nữa giảm điểm và cho thấy xu hướng giảm điểm sẽ còn diễn ra, đồng thời phản ánh tâm lý lo lắng và sự ảm đạm của TTCK VN trong thời gian tới. Cụ thể đóng cửa phiên giao dịch ngày 4.10, VN-Index giảm phiên thứ năm liên tiếp, mất gần 4 điểm, xuống 418,18 điểm. Khối lượng giao dịch tiếp tục giảm xuống còn 28 triệu đơn vị, giá trị giao dịch đạt 486 tỉ đồng. Trong khi đó, chỉ số HNX-Index cuối phiên đảo chiều tăng 0,1% lên 70,46 điểm, chấm dứt 3 phiên giảm điểm liên tiếp. Tuy nhiên khối lượng giao dịch và giá trị giao dịch tiếp tục giảm trên 10% so với phiên trước, với 33 triệu đơn vị được giao dịch và giá trị chỉ đạt 323 tỉ đồng.
Các chuyên gia và NĐT cho rằng, với diễn biến này cùng với việc TTCK hầu như không có trợ lực, vì thế từ nay đến cuối năm hy vọng phục hồi cho TTCK VN càng trôi về nơi xa xôi. Thêm vào đó, các yếu tố như thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục là những yếu tố không hề có lợi cho TTCK ít nhất là trong tương lai gần.
Thử thách
Với những diễn biến cả ở cấp độ kinh tế vĩ mô lẫn những điều chỉnh linh hoạt mang tính chất tức thời thì TTCK đang thực sự gặp thách thức lớn. Đây cũng chính là thách thức cho NĐT khi mà đứng trước quyết định mua gom CP, tiếp tục bán đi hay nằm im chờ thời.
Trên thực tế việc trả lời câu hỏi này hoàn toàn phụ thuộc vào “nhu cầu” của NĐT khi mà TTCK đã phá vỡ mọi quy luật và thậm chí là cả giá trị cũng như niềm tin. Đã có lúc người ta kỳ vọng khi mà trong bối cảnh giảm lãi suất tiết kiệm giảm sẽ kích thích một dòng tiền nhàn rỗi chảy vào CP. Bên cạnh đó, khi mà chỉ số CPI có dấu hiệu giảm nhiệt cũng mang lại một sự khích lệ, nếu như không nói là khá thuận lợi cho TTCK. Thế nhưng ngay cả khi những yếu tố này “đến và ở lại” thì TTCK vẫn không thể phục hồi. Nhiều NĐT còn có cách nhìn khá tiêu cực khi cho rằng “người ta” chỉ lợi dụng những yếu tố thuận lợi nhất thời để rồi tác động, khiến cho TTCK đi xuống mà thực chất là “bị đánh xuống”.
Tuy nhiên, cũng có NĐT vững tâm và nhận định rằng đây là thời điểm có thể lựa chọn CP tốt để mua và chờ thời. Lý do khá đơn giản là “để kiếm ăn là hoàn toàn không dễ trong thời buổi khó khăn này; nhưng đầu tư thì hoàn toàn có thể mang lại hy vọng về một cơ hội khi mà kinh tế phục hồi”.
Các chuyên gia cũng cho rằng TTCK diễn biến đôi khi như những canh bạc. Khi “bạc rộ” – tức là lúc giá CP có dấu hiệu phục hồi, tăng trần thì NĐT đổ xô mua gom bất chấp những rủi ro tiềm ẩn. Thế nhưng lúc “bạc tàn” – khi mà CP giảm giá mạnh, thậm chí xuống dưới giá trị thực thì NĐT lại thờ ơ, thậm chí là lại đua nhau bán ra. Vẫn biết rằng cuộc chơi là do người chơi quyết định, nhưng cũng có những NĐT thực thụ biết nhìn nhận, phán đoán thị trường để đầu tư xứng đáng cả thời gian và tiền bạc chứ không chỉ lướt sóng hay “ăn theo” thị trường.
Còn nhớ gần đây, nhiều chuyên gia vẫn rất kỳ vọng vào sự phục hồi của TTCK VN, thế nhưng sự kỳ vọng này đặt niềm tin vào thời điểm từ năm 2012 chứ không phải trong năm nay. Bên cạnh đó, thông tin các NĐT Mỹ và Nhật Bản “nhòm ngó” TTCK VN cũng chỉ là những thông tin mang tính tham khảo chứ chưa hẳn là một lực hỗ trợ. Chính vì thế, nhiều chuyên gia cho rằng khả năng diễn biến của TTCK VN những tháng cuối năm chính là sự cầm cự không giảm mạnh nhưng cũng khó tăng mạnh. Điều đó cho phép thị trường chọn lọc NĐT và dòng tiền trước khi có những điều chỉnh phục hồi cùng với đà phục hồi của nền kinh tế.