Hồi năm 2010 nhiều quỹ đầu tư trong đó có các quỹ tên tuổi như VinaCapital, Mekong Capital đều có kế hoạch huy động thêm vốn để thành lập quỹ mới đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Nhưng đến nay, đã gần hết quí 3 của năm 2011, mà vẫn chưa có công ty quản lý quỹ nào công bố huy động được quỹ mới.
VinaCapital từ năm 2010 đã có kế hoạch lập thêm quỹ đầu tư có vốn từ 200- 300 triệu đô la Mỹ đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam, nhưng quỹ đầu tư này vẫn chưa được mở.
Ông Andy Ho, Giám đốc của VinaCapital, cho biết hiện đang có một số nhà đầu tư nước ngoài đang làm thẩm định về các khoản đầu tư tại Việt Nam của VinaCapital cũng như về tình hình kinh tế Việt Nam trước khi quyết định có bỏ vốn hay không. Tuy nhiên, ông Andy Ho cho biết không thể chắc được rằng có thể huy động xong quỹ này vào cuối năm hay không.
Ông Andy Ho thừa nhận rằng kinh tế của Mỹ và các nước châu Âu đang lâm vào tình trạng khó khăn đã khiến việc huy động vốn từ các thị trường này trở nên khó khăn cho các công ty quản lý quỹ. Ngoài ra, điều khiến Việt Nam khó thu hút vốn đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài theo ông Andy là lạm phát và sự mất ổn định của đồng nội tệ vẫn đang đe dọa nền kinh tế Việt Nam.
Cũng đã có kế hoạch huy động thêm quỹ mới từ cuối năm 2010 nhưng Công ty quản lý quỹ Mekong Capital đến nay vẫn chưa công bố có thêm quỹ nào. Ông Chris Freund, Tổng giám đốc của Mekong Capital, cho rằng bên cạnh mối quan ngại về sự bất ổn của đồng nội tệ và rủi ro lạm phát, vấn đề lớn nhất quyết định khả năng thành công trong việc huy động các quỹ đầu tư cổ phần vào công ty tư nhân (private equity) tại Việt Nam là lợi nhuận của các khoản đầu tư cũ sau khi thoái vốn.
“Thông thường, kết quả thoái vốn của các quỹ đầu tư tại Việt Nam không tốt bằng các quỹ tại Trung Quốc, Indonesia, hay Ấn Độ”, ông Chris Freund nói. Theo đó, những công ty quản lý quỹ đã có hoạt động lâu năm tại Việt Nam và có kết quả đầu tư tốt (có lời sau khi thoái vốn) sẽ có lợi thế trong huy động vốn từ nhà đầu tư nước ngoài.
Nói về kế hoạch huy động quỹ mới của mình, ông Chris Freund cho biết “Chúng tôi đã chưa thực sự tăng cường tiếp thị quỹ mới của mình. Chúng tôi sẽ thực hiện điều này sau khi thoái vốn thành công tại 1 hoặc 2 khoản đầu tư lớn tại Việt Nam”.
Nhận định về khả năng huy động vốn của các quỹ đầu tư nước ngoài trong bối cảnh kinh tế thế giới đang trong suy thoái, ông Fiachra Mac Cana, Trưởng bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán TPHCM (HSC), cho rằng nếu huy động vốn cho quỹ chỉ đầu tư vào Việt nam hiện nay thì sẽ khó thực hiện, nhưng nếu gọi vốn từ các quỹ đầu tư khu vực (quỹ đầu tư vào quỹ) thì có thể vì họ có thể giảm bớt đầu tư tại các thị trường khác để chuyển sang thị trường Việt Nam.
Việt Nam không có trong danh mục đầu tư của các quỹ đầu tư lớn và nếu chỉ cần quyết định chỉ 0,5% tiền của mình vào Việt Nam thì một lượng lớn tiền sẽ đổ vào thị trường này. “Các quỹ đầu tư chứng khoán thường đầu tư theo xu hướng và nếu một thị trường nào đó bắt đầu tăng thì họ sẽ lập tức nhảy vào chụp lấy cơ hội”, ông Fiachra nói.
Nước ngoài thoái vốn: không nên quá e ngại
Nhiều nhà đầu tư đang e ngại năm 2012 và 2013 sẽ chứng kiến một làn sóng thoái vốn của các quỹ đầu tư tại Việt Nam do đã đến thời hạn kết thúc của các quỹ. Không quá lo lắng về vấn đề này, ông Fiachra cho biết các quỹ đầu tư vào chứng khoán niêm yết sẽ có thể bị áp lực bán mạnh vào năm sau, còn các quỹ đầu tư vào cổ phiếu chưa niêm yết thì chưa chắc sẽ bán được trong năm sau vì thị trường này đang rất ảm đạm.
“Tuy nhiên, nếu Ngân hàng Nhà nước một cách gián tiếp hay trực tiếp cho phép ngân hàng cho vay đầu tư chứng khoán trở lại vào năm sau thì việc các quỹ nước ngoài xả hàng sẽ không thành vấn đề vì nhà đầu tư trong nước sẽ mua hết. Thời gian gần đây nhà đầu tư cá nhân trong nước là người dẫn dắt thị trường chứ không phải là nhà đầu tư nước ngoài nữa”, ông Fiachra nói.
Cũng không quá bi quan về vấn đề này, ông Chris Freund của Mekong Capital cho biết nhiều công ty trở nên rất hấp dẫn sau thời gian được các quỹ đầu tư bỏ vốn vào như khoản đầu tư vào Bệnh viện Hoàn Mỹ mà VinaCapital vừa thoái vốn và bán cho một nhà đầu tư Ấn Độ là một ví dụ. Những khoản đầu tư tốt này sẽ làm gia tăng giá trị của hoạt động đầu tư vào công ty tư nhân tại Việt Nam.
Thường các quỹ đầu tư sẽ nắm giữ cổ phần trong một công ty trong khoảng từ 3 đến 7 năm và hầu hết những vụ thoái vốn của các quỹ gần đây chỉ là do hết thời hạn nắm giữ mục tiêu của các quỹ. Đây chỉ là vòng đời bình thường của các quỹ đầu tư, ông Chris Freund nói.
Trước đó, ông Thomas Lanyi, Giám đốc đầu tư của Mekong Capital, cũng từng nhìn nhận tích cực về việc thoái vốn của các quỹ khi cho rằng thoái vốn là một phần tất yếu của mô hình đầu tư cổ phần riêng lẻ và mang tính tích cực cho thị trường vốn nội địa.
“Các công ty thuộc danh mục đầu tư của chúng tôi thường là các công ty dẫn đầu thị trường, các công ty tăng trưởng nhanh và tuân thủ các chuẩn mực quản trị doanh nghiệp cao nhất. Việc đưa các công ty này ra thị trường chứng khoán nội địa trong quá trình thoái vốn sẽ tạo chất xúc tác cho tính thanh khoản, và làm tăng thêm các chuẩn mực cũng như nhận thức chung về thị trường vốn nội địa trong mắt các nhà đầu tư quốc tế. Ở một khía cạnh khác, việc bán các công ty thuộc danh mục đầu tư cho một nhà đầu tư chiến lược, thông thường là nhà đầu tư nước ngoài, có thể sẽ thu hút thêm nguồn vốn đổ vào Việt Nam trong tương lai, và củng cố danh tiếng của Việt Nam như một điểm đến cho đầu tư nước ngoài”, ông Thomas nói.
Trong khi đó, ông Andy Ho cho rằng ông không quá lo về việc vốn nước ngoài rút khỏi Việt Nam vì thực tế từ đầu năm đến nay nhà đầu tư nước ngoài đã liên tục vào Việt Nam mua cổ phần của các công ty tốt như Quỹ đầu tư BridgeHead mua cổ phần Giấy Sài Gòn, tập đoàn SEB của Pháp mua cổ phần Quạt Asia, và nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang mua ròng (mua nhiều hơn bán) trên thị trường chứng khoán cho đến thời điểm này.